Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt sai phạm tại Thủy điện Thượng Kon Tum

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 14:09, 09/03/2022

Quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến dự án Thủy điện Thượng Kon Tum (do Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư) tại xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, xã Đăk Tăng, xã Ngọc Tem và xã Măng Cành huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo Kết luận số 222/KL-TTCP, dự án thủy điện Thượng Kon Tum có công suất lắp máy 240MW, dự án được thực hiện thi công từ năm 2010 đến năm 2014. Sau 04 lần được điều chỉnh, thời hạn đầu tư thì đến tháng 12/2020 dự án bắt đầu đưa vào hoạt động trên diện tích dự kiến sử dụng 801,8 ha.

Theo Thanh tra Chính phủ, tại dự án thuỷ điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy), UBND tỉnh không yêu cầu chủ đầu tư lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thay đổi địa điểm thực hiện dự án và tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó là 109,05 ha là trái quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

anh-1-1-.jpg
Mặc dù chưa được các ngành chức năng cho phép nhưng trong quá trình thi công Thủy điện, Công ty đã tự ý đổ đất, đá thải (hàng triệu m3) ra môi trường.

Hơn nữa, UBND tỉnh Kon Tum không thực hiện thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn. Đồng thời không yêu cầu công ty nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích sang phi nông nghiệp diện tích 48,222 ha đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền hơn 4,6 tỷ đồng, cần phải thu hồi về tài khoản tạm giữ của TTCP.

Ngoài ra, đối với diện tích 501,55 ha là đất rừng, trên thực tế đã đưa vào sử dụng vào mục đích khác từ năm 2011 đến 2016 nhưng UBND tỉnh Kon Tum đã buông lỏng quản lý, không ban hành quyết định chuyển mục đích rừng sang sử dụng vào mục đích khác là vi phạm quy định.

Hơn nữa Công ty chưa được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm là tuyến năng lượng nhưng đã thực hiện xây dựng từ năm 2015. Về việc này TTCP xác định đây là hành vi chiếm đất bị nghiêm cấm.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với 2 khu vực làm bãi trữ, bãi thải với diện tích 60 ha. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa có quyết định cho công ty thuê đất để làm bãi trữ nhưng trong quá trình thi công, công ty đã tự ý đổ đất, đá thải (hàng triệu m3).

Thanh tra Chính phủ cho rằng cần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng sử dụng đất như ban đầu. Nếu không khắc phục được hậu quả TTCP sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.


Văn Hà