Bé trai bị điện giật tử vong vì cắm thìa vào ổ điện

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:54, 07/03/2022

Một bé trai 7 tuổi (trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã tử vong do bị điện giật sau khi cắm thìa kim loại vào ổ điện.

Ngày 7/3, BSCKI Nguyễn Ngọc Tuyền - Phụ trách Đơn nguyên Cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, đã tiếp nhận cấp cứu trường hợp bệnh nhi 7 tuổi, trú tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) ngừng tuần hoàn sau khi bị điện giật. Trước đó, bệnh nhi được phát hiện bất tỉnh sau điện giật do cắm thìa kim loại vào ổ điện.

dien.png
Ảnh minh họa

Bệnh nhi được chuyển vào viện trong tình trạng mất ý thức, ngừng thở tím tái toàn thân, mạch cảnh và mạch bẹn không bắt được, đồng tử hai bên giãn tối đa, mất phản xạ ánh sáng, vết bỏng cháy gan bàn tay phải và ngón 1 bàn chân phải.

Sau 60 phút nỗ lực cấp cứu, bệnh nhi vẫn không có dấu hiệu hồi phục, tử vong sau đó.

Theo BS Tuyền, đây là trường hợp trẻ tử vong do điện giật rất đáng tiếc. Nguyên nhân gây điện giật có thể do vô ý tiếp xúc với dòng điện một cách trực tiếp như cắn, nhai dây điện, đưa tay vào ổ điện, tiếp xúc với chỗ hở của đường điện hay gián tiếp nhét những đồ vật bằng kim loại vào ổ điện, vui chơi ở chỗ rò điện....

Dòng điện vào cơ thể gây ra những mức độ tổn thương khác nhau như co cơ, bỏng từ nhẹ tới nghiêm trọng, chấn thương (do trẻ bị ngã sau điện giật) thậm chí gây rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn hô hấp và tử vong.

Khi phát hiện nạn nhân bị điện giật cần bình tĩnh xử trí theo các bước sau:

- Loại bỏ nguồn điện: Rút dây điện, ngắt cầu dao điện, dùng các vật cách điện loại bỏ dây điện tiếp xúc với nạn nhân. Không trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân khi chưa chắn chắn đã loại bỏ nguồn điện khỏi cơ thể nạn nhân. Luôn luôn đảm bảo môi trường cấp cứu an toàn, lưu ý các trường hợp dò điện, môi trường ẩm ướt...

- Khi đã tiếp cận được nạn nhân cần đánh giá nạn nhân nhanh chóng bao gồm các đánh giá theo RABC: ý thức, đường thở, hô hấp, tuần hoàn. Trường hợp nạn nhân mất ý thức, mạch cảnh, mạch bẹn không bắt được, ngừng thở cần cấp cứu ngừng tuần hoàn (CPR) ngay lập tức bằng cách ép tim ngoài lồng ngực (vị trí 1/2 dưới xương ức, tần số ép 100 -120 l/ph), hà hơi thổi ngạt theo chu kỳ: 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Gọi sự trợ giúp từ người xung quanh và gọi hỗ trợ của y tế gần nhất. Lưu ý không vận chuyển nạn nhân khi nạn nhân chưa thiết lập tuần hoàn trở lại hoặc chưa có sự có mặt của nhân viên y tế.

- Các trường hợp nạn nhân có tổn thương bỏng hay chấn thương kết hợp nên đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu để các bác sĩ đánh giá và xử trí. Không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng.

Để tránh tai nạn điện giật ở trẻ nhỏ, phụ huynh cần lưu ý thực hiện:

- Khi trẻ còn nhỏ, cần che các tất cả các ổ cắm bằng nút bịt ổ điện. Thay thế những dây điện đã bị sờn, hỏng và bố trí dây điện trong gia đình khỏi tầm tay trẻ em.

- Đảm bảo các thiết bị điện trong nhà đều có chứng nhận an toàn sử dụng. Sử dụng thiết bị ngắt mạch lỗi mặt đất (GFCI) cho những ổ cắm trong phòng tắm, nhà bếp và sân vườn. Những thiết bị này sẽ giúp phòng ngừa chập điện ở những khu vực ẩm ướt.

- Rút dây cắm khi không sử dụng, nên sử dụng các thiết bị điện ở những khu vực khô ráo (ví dụ như nên sấy tóc trong phòng ngủ thay vì phòng tắm). Khi trẻ ở ngoài trời, nên lưu ý xem có cột điện đổ hay dây điện trên mặt đất hay không - nhất là sau khi có bão.

- Giáo dục trẻ nhỏ những tác hại của dòng điện và cách sử dụng điện an toàn.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các bé độ tuổi tiểu học chuyển sang học trực tuyến tại nhà nên các bậc phụ huynh cần phải cẩn trọng, để ý đến việc sinh hoạt và học tập của trẻ, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra gây tổn thương nghiệm trọng hoặc tử vong cho trẻ như điện giật, chấn thương trong quá trình sinh hoạt, vui chơi…

Chí Tâm