Đại dịch hay bệnh đặc hữu, quan trọng là tâm thế
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 14:46, 07/03/2022
Mặc dù tại báo cáo mới nhất, Bộ Y tế Việt Nam sau khi nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra 4 lý do cho rằng, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Cũng theo Bộ này, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của vi rút SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi trên thế giới một số nước như Anh, Mỹ… đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Việt Nam trong tháng qua có số mắc mới tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất ghi nhận 142.136 ca nhiễm mới, thì việc xem xét COVID-19 như bệnh lưu hành (bệnh đặc hữu) là vấn đề cần thiết.
Đặc biệt, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 diễn ra hôm 5/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới đó là, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Vậy là thông điệp xem COVID-19 là bệnh đặc hữu đã được Người đứng đầu Chính phủ chính thức đưa ra, định hướng tiến tới một lộ trình mới.
Theo định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) bệnh đặc hữu “là sự hiện diện thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một cộng đồng tại một khu vực địa lý”. Và một bệnh dịch được coi là đặc hữu khi có sự cân bằng giữa mức độ lây truyền của virus và mức độ miễn dịch của quần thể.
Tiến sĩ Daniel McQuillen, Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết, để một đại dịch chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu cần có một nền tảng nhất định. Điều này đồng nghĩa dù một số người vẫn sẽ nhiễm bệnh nhưng đó sẽ không phải là một con số cao quá mức với những hậu quả nặng nề khiến công chúng, hệ thống bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ bị quá tải.
Như vậy, để COVID-19 tiến tới được xem như bệnh đặc hữu, ngành Y tế phải xây dựng hệ thống điều trị hiệu quả, có tính dự phòng, bảo vệ cho người nguy cơ cao, bệnh nền, lớn tuổi trước Covid-19. Mục tiêu là giảm ca nặng và tử vong, đảm bảo tính ổn định với thiệt hại thấp nhất.
Có lẽ thời điểm này khái niệm “bệnh đặc hữu Covid19” cũng sẽ khiến một số người còn e ngại, ngỡ ngàng. Tuy nhiên, suy nghĩ thấu đáo về thực tế diễn biến dịch ở nước ta, thì khoảng cách này không lớn lắm.
Về số ca mắc COVID-19, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.434.700 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 44.893 ca nhiễm). Đặc biệt trong những ngày, qua số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục lập những đỉnh mới. Chỉ mới hôm qua (ngày 6/3) số ca mắc mới tại Hà Nội là 29.578, Bắc Ninh 8.355, Nghệ An 7.579, Hải Phòng 5.154...
Với số lượng ca F0 tăng kỷ lục, thời gian vừa qua Hà Nội, Tp.HCM và nhiều địa phương trên cả nước đã phần nào kiểm soát Covid như bệnh đặc hữu. Cụ thể: Nhiều người sau khi xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính với SARS- CoV-2 tìm cách khai báo y tế với y tế cơ sở, tuy nhiên vấp phải sự quá tải phổ biến ở nhiều trạm y tế quận huyện, xã phường… Thậm chí, nhiều trạm y tế 8/10 cán bộ đều trong tình trạng F0 vừa phải tự điều trị, vừa phục vụ nhu cầu người bệnh qua điện thoại, internet.
Vậy là người dân ở mọi hoàn cảnh, có ở biệt thự, chung cư rộng rãi, hay trong phòng trọ thuê chật hẹp cũng đều phải tự xoay sở tìm mọi cách tự cách ly, điều trị cho mình. Người có triệu chứng bắt đầu tự test nhanh, tự mua thuốc chữa, hết 7 ngày cách ly test âm tính thì tự động đi làm. Còn có một bộ phận người lao động F0 không triệu chứng vì vấn đề “cơm áo gạo tiền” không khai báo tình trạng bệnh để tiếp tục mưu sinh. Không ít người khác vào mạng tham khảo các “cựu bệnh nhân COVID-19” để học hỏi “kinh nghiệm vườn” rồi đem áp dụng cho mình, thậm chí cả những người chưa xuất hiện triệu chứng cũng “hóng” rồi rơi vào hội chứng những người “nghiện test”, kèm theo đó là “găm” thuốc đông, tây y các kiểu để phòng bị.
Hiện nay, chúng ta đang xếp Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm nguy hiểm). Tuy nhiên, trên thực tế người dân đã được tiêm vắc-xin với tỉ lệ phổ rộng cao. Tính đến ngày 3/3, với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ mũi 1, mũi 2, mũi 3 lần lượt là 100%, 98,4% và 37,4%. Với đối tượng từ 12-17 tuổi, tỉ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5. Do đó, dù số ca mắc tăng phi mã và trong bối cảnh diễn ra tình trạng hỗn loạn có phần phi lý, thì số lượng tử vong và nhập viện vẫn được các cơ quan chức năng và chuyên giá đánh giá là trong tầm kiểm soát.
Cùng với đó, so với thời gian chống dịch trước kia, có đôi lúc chúng ta phải áp dụng những đợt giãn cách xã hội diện rộng, thì giờ đây trải qua quá trình hơn 2 năm chống dịch, chúng ta đã có những kinh nghiệm và bài học quý để áp dụng vào thực tiễn. Chúng ta cũng chủ động hơn về trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19, đề ra được pháp đồ điều trị bệnh nhân nặng và biện pháp, phòng chống dịch hiệu quả…
Vậy nên, đừng ngại ngần khi nghe nói đại dịch COVID-19 rồi sẽ được xem như bệnh lưu hành (bệnh đặc hữu). Việc tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu là vô cũng quan trọng và ý nghĩa to lớn với đời sống xã hội. Người dân cần được trở lại cuộc sống bình thường, ít nhất, không còn cảnh xếp hàng dài chờ giấy chứng nhận F0, kiểm soát bằng khai báo di chuyển. Học sinh cũng không đi học vài ngày, có ca nhiễm lại phải nghỉ, kéo theo cha mẹ nghỉ làm chăm sóc con. Cũng có nghĩa người bệnh có điều kiện có thể yêu cầu thăm khám, điều trị tốt hơn và giảm nguồn kinh phí điều trị đáng kể cho Nhà nước.
Điều cần thiết hiện nay là các đơn vị chức năng cần tiến hành tuyên truyền sâu rộng, chuẩn bị tâm lý, trang bị kiến thức xử trí bệnh cho người dân thật tốt, đẩy nhanh tăng tốc tiêm phủ vắc-xin; chuẩn bị thuốc, phổ biến rộng rãi các phản ứng phụ của thuốc, đặc biệt thuốc kháng virus; có kế hoạch cho các bệnh viện tư tham gia tạo cơ chế, hành lang pháp lý để các bệnh viện tư được tham gia khám chữa bệnh…
Để dịch bệnh COVID-19 dần được coi như bệnh đặc hữu, tâm thế của người dân là đặc biệt quan trọng. Trước hết mỗi cá nhân cần có ý thức trách nhiệm phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Tự tin bình thường đối với một một loại virus gây tử vong cao không có nghĩa là xem nhẹ dịch bệnh, hay lạc quan thái quá, mà cần đề cao hơn tính dự phòng để bảo vệ.
Trong bối cảnh hiện nay, kể cả những người đã là F0, hoặc đang là F1, người chưa chưa mắc Covid-19 vẫn tiếp tục phải thực hiện nghiêm phòng, chống dịch, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều, không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết… Đặc biệt không buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0", “đằng nào cũng nhiễm, nhiễm sớm xong sớm”. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng đột biến dẫn đến mất kiểm soát.
Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần trang bị thêm cho mình kiến thức hiểu biết đúng đắn về dịch bệnh, các bệnh lưu hành, từ đó lựa chọn, áp dụng những kinh nghiệm quý một cách phù hợp, thông minh trong những tình huống khẩn cấp ban đầu, tránh tình trạng đua nhau, hội chứng gây tốn kém không cần thiết, “tiền mất, tật mang” và làm nhiễu loạn chủ trương, sách lược phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.