Ukraine hối thúc EU kết nạp, EU nói có thể “mất nhiều năm”
Chuyển động - Ngày đăng : 14:51, 01/03/2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/2 đã chính thức đệ đơn của Ukraine xin gia nhập EU. Tổng thống Zelensky cũng đồng thời đề nghị EU "ngay lập tức" trao tư cách thành viên của khối cho nước này theo một quy trình đặc biệt.
“Chúng tôi đề nghị EU kết nạp Ukraine ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt mới. Mục tiêu của chúng tôi là được cùng (chung sống) với tất cả người châu Âu”, ông Zelensky cho biết.
Đề nghị của Tổng thống Zelensky được đưa ra trong bối cảnh xung đột tại Ukraine bùng phát sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông nước này.
Đáp lại lời đề nghị của Tổng thống Zelensky, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, mọi nỗ lực trở thành thành viên khối này đều có thể "mất nhiều năm". Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận rằng, có "những ý kiến và sự nhạy cảm khác nhau trong EU về việc mở rộng".
Điều đáng nói là trước khi Tổng thống Ukraine đưa ra lời đề nghị trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lại tuyên bố rằng Ukraine thuộc EU. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, bà Leyen không có quyền cấp tư cách thành viên EU cho bất kỳ quốc gia nào, thậm chí là tư cách ứng cử viên chính thức. Những quyết định như vậy phải được sự đồng ý của tất cả 27 nước thành viên của khối, vốn đang bất đồng sâu sắc trong những năm gần đây về việc mở rộng EU.
Với đề nghị EU "ngay lập tức" trao tư cách thành viên của khối cho Ukraine theo một quy trình đặc biệt, các quan chức châu Âu cho biết không tồn tại thủ tục nhanh chóng như vậy.
Những quốc gia có nguyện vọng gia nhập khối thường phải đối mặt với một quá trình lâu dài và phức tạp, thường đòi hỏi những cải cách lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Bên cạnh đó, những nước này cũng chứng minh rằng hệ thống tài chính đang đi theo hướng tạo thuận lợi cho việc chấp nhận đồng euro. Các quan chức EU đều nhấn mạnh rằng, thủ tục gia nhập cần nhiều năm để thực hiện.
Và trên thực tế, Kiev từ lâu đã tìm cách gia nhập EU và quá trình này có nhiều quy trình thủ tục và điều kiện, trong đó có yêu cầu Ukraine cần tiến hành cải cách để kiểm soát nạn tham nhũng.
Hiện tại, có 5 quốc gia là ứng cử viên chính thức cho tư cách thành viên EU: Albania, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ (tư cách thành viên EU của họ đã bị đóng băng trong nhiều năm).
Montenegro và Serbia đã có các cuộc đàm phán gia nhập kể từ năm 2012 và 2014 mà chưa có kết luận rõ ràng.
Trong khi đó, EU mặc dù bật đèn xanh cho Albania và Bắc Macedonia về đàm phán tư cách thành viên vào năm 2020 nhưng các cuộc thảo luận vẫn chưa diễn ra, chủ yếu do sự phong tỏa của Bulgaria vì bất đồng về ngôn ngữ và lịch sử với Bắc Macedonia.
Cùng ngày, Tổng thống của 8 quốc gia Trung và Đông Âu là thành viên EU (Bulgaria, Czech, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia) cũng công bố một bức thư ngỏ kêu gọi EU ngay lập tức cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU và tổ chức các cuộc hội đàm về thành viên mới.
Tổng thống các nước này đã kêu gọi EU dành cho Ukraine “sự ủng hộ chính trị cao nhất” và “tạo điều kiện cho các thể chế của EU tiến hành các bước để ngay lập tức cấp cho Ukraine quy chế nước ứng cử viên của EU và mở ra quá trình đàm phán”.
Trong khi đó, một số nước Trung Âu đã lên tiếng ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine, ngay cả khi quá trình gia nhập thường mất nhiều năm vì các thành viên sẽ phối hợp để điều chỉnh xã hội, hệ thống luật pháp và nền kinh tế của họ với các chuẩn mực của EU.
Tại một buổi phỏng vấn với Politico.eu, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger lập luận rằng Ukraine nên được cấp một "quy chế đặc biệt" để gia nhập EU.
Thế nhưng, các cường quốc Tây Âu trong EU là Đức và Pháp đã hạ thấp triển vọng về việc Ukraine gia nhập khối trong tương lai gần.
Cụ thể, một quan chức trong Chính phủ Pháp cho biết, nước này hoan nghênh nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine, nhưng vấn đề này cần phải được thảo luận: “Chúng ta phải cẩn thận để không đưa ra những cam kết mà chúng ta không thể thực hiện được".
Còn Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết tại cuộc họp báo với người đồng cấp Slovenia Anže Logar ở Berlin: “Ukraine là một phần của ngôi nhà chung châu Âu và chúng tôi biết rằng, nhiều người Ukraine đang và mong muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với EU. Tuy nhiên, mọi người đều nhận thức được rằng việc gia nhập EU không phải là điều có thể thực hiện trong một vài tháng, mà nó liên quan đến một quá trình chuyển đổi sâu rộng”.
Ngày 28/2, cuộc đàm phán của phái đoàn Nga-Ukraine tại khu vực Gomel, biên giới Belarus-Ukraine đã diễn ra và kết thúc sau 5 giờ đồng hồ. Truyền thông Nga cho biết, hai bên đã đạt được một số kết quả nhất định.
Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Ukraine, 4 ngày sau khi xung đột quân sự nổ ra giữa hai bên.Sau 5 giờ đồng hồ, đàm phán kết thúc. Đại diện hai bên đã có cuộc gặp ngắn với báo giới. Phái đoàn của Nga và Ukraine cho biết hai bên đã tìm thấy một số điểm chung có thể nhất trí.
Theo đó, quan chức hai nước sẽ trở về thủ đô Kiev và Moscow để tiến hành tham vấn lãnh đạo Ukraine và Nga, trước khi quay lại vòng đàm phán tiếp theo dự kiến được tổ chức trong vài ngày tới.
Tổng thống Putin nêu yêu cầu để chấm dứt xung đột ở Ukraine
RIA Novosti ngày 28/2 đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liệt kê các điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình ở Ukraine.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng điều này có thể thực hiện được "chỉ khi lợi ích hợp pháp của Nga trong lĩnh vực an ninh được tính đến một cách vô điều kiện".
Theo nhà lãnh đạo Nga, việc phi quân sự hóa Ukraine và phương Tây công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, cũng như đảm bảo quy tắc trung lập của Ukraine là chìa khóa để chấm dứt xung đột.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng, quân đội Nga không đe dọa dân thường ở Ukraine và không tấn công vào các mục tiêu dân sự. Điện Kremlin cho biết thêm, mối đe dọa đến từ "những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đang triển khai vũ khí tấn công trong các khu dân cư để sử dụng dân thường làm lá chắn".
Trong khi đó, Tổng thống Macron "nhắc lại yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc chấm dứt cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine và tái khẳng định sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức". Tổng thống Pháp cũng đề nghị người đồng cấp Nga giữ liên lạc trong những ngày tới để ngăn tình hình xấu đi.