Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0"
Chính trị - Ngày đăng : 21:16, 24/02/2022
Sáng 24/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry.
Tham dự buổi tiếp có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Phạm Phú Bình, Trợ lý Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Nguyễn Hoàng Hải, đại diện các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội,…
Chào mừng ông John Kerry quay trở lại Việt Nam trong chuyến công tác lần này với vai trò là Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, chuyến thăm là minh chứng sống động cho mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ và thực chất, là cơ hội tốt để hai bên trao đổi về quan hệ hợp tác song phương cũng như cơ hội hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; mong muốn xây dựng quan hệ tin cậy, ổn định, lâu dài, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Đồng thời, mong muốn tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ theo hướng thực chất, hiệu quả trong khuôn khổ song phương, khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội vui mừng nhận thấy, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và ổn định, hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi Đoàn, trong đó có các chuyến thăm và làm việc của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và Nhân dân Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, với tổng số vaccine hỗ trợ Việt Nam lên tới 29,1 triệu liều; bày tỏ mong muốn, sau khi tình hình dịch Covid - 19 được kiểm soát, hai nước sẽ sớm khôi phục các hoạt động tiếp xúc, đối thoại và trao đổi Đoàn các cấp.
Cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã dành thời gian tiếp, Đặc phái viên John Kerry cho biết, tại COP26, các nước đã đưa ra các cam kết cụ thể, trong đó 65% các nước đại diện cho GDP toàn cầu đã cam kết để nhiệt độ trái đất không tăng lên quá 1,5 độ C. Qua phân tích của các chuyên gia cho thấy, nếu các quốc gia đều thực hiện đầy đủ các cam kết của mình, đến năm 2058, nhiệt độ trái đất sẽ không tăng quá 1,8 độ C. Nhưng, một vấn đề đặt ra là không phải quốc gia nào cũng thực hiện đúng cam kết của mình, vì hiện 35% các quốc gia chưa đưa ra được kế hoạch thực hiện cam kết. Điều này đòi hỏi cần sự nỗ lực chung để thúc đẩy tất cả các quốc gia đạt mục tiêu đề ra, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tích cực hỗ trợ các quốc gia tham gia cam kết COP26 thực hiện các mục tiêu chính.
Khẳng định Việt Nam có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có tiềm năng tạo ra những thay đổi thực chất, khi được nhận định là “thiên đường của năng lượng tái tạo”, với nguồn tài nguyên to lớn để phát triển năng lượng xanh. Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam cần có định hướng, kế hoạch, nguồn lực đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư tốt hơn để khai thác hết tiềm năng này, qua đó, vươn lên trở thành quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi về năng lượng, trở thành quốc gia sản xuất và cung ứng các nguồn năng lượng xanh.
Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ cũng cho biết, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có nhiều điểm chung trong giải quyết những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Nêu rõ điều này, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh, với chức năng và thẩm quyền của mình, Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong quyết định chính sách, pháp luật hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời), xây dựng hệ thống truyền tải song song; ban hành thêm các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc mua bán điện trực tiếp…
Nhấn mạnh Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mong muốn hợp tác với Việt Nam để đẩy nhanh tiến trình thực hiện các cam kết tại COP26, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ nêu rõ, 2020-2030 là giai đoạn vô cùng quan trọng để đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà COP26 đặt ra. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần có những hành động cụ thể để khẳng định quyết tâm đối với các cam kết tại COP26, chuẩn bị những dự án đủ điều kiện nhận nguồn vốn hỗ trợ, thể hiện sự cởi mở trong đàm phán hiệp định vì mục tiêu phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu…
Chia sẻ và đánh giá cao những ý kiến của Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về các giải pháp, hành động cụ thể cần triển khai để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của Quốc hội Hoa Kỳ trong quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ cũng như trong phát triển và làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, mối quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp như ngày hôm nay là nhờ những đóng góp quan trọng của các nghị sỹ Hoa Kỳ, đặc biệt là cá nhân Đặc phái viên John Kerry trên cương vị Thượng nghị sĩ với những tình cảm tốt đẹp và nỗ lực không ngừng nghỉ dành cho Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, Hoa Kỳ sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ, hạ tầng, đào tạo nhân lực và kinh nghiệm chuyển đổi năng lượng để Việt Nam có thể thực hiện đầy đủ những cam kết tại COP26; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện việc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển năng lực hàng không và hàng hải…
Ghi nhận các ý kiến của Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thông tin thêm về nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam; các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu; thông tin bước đầu về việc triển khai Quy hoạch điện VIII, trong đó có các thông tin liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đã thể chế hóa các quy định của pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, trong đó có quy định tháo gỡ vướng mắc về xây dựng hợp đồng mua bán điện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, điều chỉnh lại các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh...