Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô và các bị can hưởng lợi lớn từ hành vi đào tạo sai quy định
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:29, 03/08/2019
Như tin đã đưa, ngày 30/7, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa (SN 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang (SN 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), nguyên là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường Đại học Đông Đô; Phạm Vân Thùy (SN 1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) và Lê Thị Lương (SN 1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) là cán bộ Trường Đại học Đông Đô.
Ngày 1/8, sau khi có quyết định phê chuẩn của VKSNDTC, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc đối với Dương Văn Hòa và Trần Ngọc Quang. Đồng thời, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phạm Vân Thùy, Lê Thị Lương.
Các bị can trong vụ án
Theo điều tra, ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo bằng ĐH văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Cụ thể, Bộ GD-ĐT khẳng định: "Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo bằng ĐH thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh theo quyết định số 22 ngày 26-6-2001 của Bộ GD-ĐT quy định đào tạo để cấp bằng ĐH thứ hai".
Cục An ninh Chính trị nội bộ phối hợp với Cục An ninh điều tra tiếp tục làm việc với Bộ GD&ĐT thu thập các tài liệu liên quan đến quy trình đào tạo văn bằng 2 hệ chính quy của các cơ sở đào tạo đại học; quy định về việc liên kết giữa các trường đại học với các trung tâm bên ngoài, trách nhiệm của các bên trong liên kết đào tạo; chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 hệ chính quy và danh sách học viên trúng tuyển văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh, hệ chính quy của Đại học Đông Đô từ năm 2016 đến nay...
Quá trình xác minh xác định việc buông lỏng công tác quản lý đào tạo và cho phép học viên không phải đi học, không phải thi đầu vào, đầu ra, để hợp lý hóa hồ sơ cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy tại Đại Học Đông Đô đã vi phạm quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT. Cục An ninh Chính trị Nội bộ và Cục An ninh điều tra xác định: Từ năm 2016, trường Đại học Đông Đô đã tuyển sinh hàng nghìn học viên và tổ chức đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh tại 3 cơ sở gồm: Số 1 Hoàng Đạo Thúy; 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội); 171 Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Đến đầu năm 2018, trường đã liên kết tuyển sinh với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn trên toàn quốc không được cấp phép theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Để hợp thức hóa vi phạm trên, Đại học Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ.
Trong vụ án này, các đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, vi phạm quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26-6-2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Cơ quan điều tra xác định số tiền hưởng lợi từ hành vi vi phạm của Hiệu trưởng ĐH Đông Đô và các bị can là rất lớn.
Trao đổi trên báo chí, ông Mai Văn Trinh -Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Bộ GD-ĐT với chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.
Về vụ việc ở ĐH Đông Đô, ông Trinh cho biết "Bộ GD-ĐT cung ứng phôi bằng cho trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát bằng là trách nhiệm của trường. Trường phải tuân thủ các quy định hiện hành trong công tác quản lý, cấp phát bằng".
Liên quan đến câu hỏi về quyền lợi của sinh viên đang theo học và những người đã tốt nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết với những người học thật, thi thật, đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện tuyển sinh đầu vào cũng như điều kiện đầu ra khi tốt nghiệp, quá trình tổ chức, quản lý đào tạo theo đúng quy chế, có hồ sơ lưu minh chứng đầy đủ..., nhà trường phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học theo đúng quy định.
Tuy nhiên, vụ việc đang trong giai đoạn điều tra, do đó phải chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ có các phương án xử lý phù hợp với các quy định hiện hành.