Những cơn mơ chờn vờn bóng núi của nhà thơ trẻ vùng cao

Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 21:07, 22/02/2022

Là một trong những nhà thơ trẻ dân tộc thiểu số, Ngô Bá Hòa đã có đóng góp tích cực vào dòng văn học miền núi những năm qua. Thơ anh mộc mạc trong cách diễn đạt, giản dị trong cách dụng ngôn nhưng vẫn chứa đựng những điều sâu sắc. Ngô Bá Hoà viết như để trả nợ những ân tình với quê hương vùng cao nên đọc thơ anh, hình ảnh bản làng cùng những cánh rừng, ngọn núi, dòng sông, con suối đã trở thành biểu tượng xuyên suốt trong các tác phẩm của anh.

Đứa trẻ chăn trâu mê viết thơ

Ngô Bá Hoà tâm sự, anh sinh ra tại một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Cuộc sống vất vả nơi thôn quê khiến những đứa trẻ vùng cao phải bươn chải phụ giúp cha mẹ từ khi còn nhỏ. Sau mỗi buổi lên lớp, Ngô Bá Hoà phụ giúp cha mẹ bằng cách dẫn trâu vào bìa rừng chăn thả. Con trâu là đầu cơ nghiệp, là sức kéo để cày bừa những bãi nương lô nhô sỏi đá.

Những buổi chăn trâu, Hoà thường đem theo sách vở để học bài. Làm xong hết bài tập về nhà, còn thời gian, cậu đọc báo. Ngày đó Hoà và hầu hết các bạn cùng trang lứa chỉ được tiếp cận với 2 tờ báo dành cho tuổi thơ là: Thiếu nhi dân tộc và Thiếu niên tiền phong. Hai tờ báo đầu tiên trong đời đó chính là nơi tạo cho Hoà đam mê viết lách. Hoà đọc những bài thơ, những câu chuyện của các bạn khắp mọi miền đất nước, cảm thấy vô cùng thân quen. Những mẩu chuyện, những câu thơ tưởng như đang được viết bởi chính mình. Từ sự thân thuộc đó, Hoà thử cầm bút. Đầu tiên anh viết về tất cả những gì thân thuộc với mình như cỏ cây hoa lá, chim muông, con cún, con mèo, ngôi trường, thầy cô và các bạn.

1(1).jpg

Nhà thơ trẻ dân tộc thiểu số - Ngô Bá Hòa

Những câu thơ đầu đời ngây ngô, trong sáng được viết ra như để ghi lại sự vật hiện tượng đang trông thấy. Rồi Hoà cũng mạnh dạn gửi những bài viết theo địa chỉ ghi trên hai tờ báo đó. Không có giấy, anh phải rọc trang vở ra để chép lên. Biết bố, mẹ vất vả kiếm được những đồng tiền ít ỏi, Hoà không dám mở lời xin mà tự đi gom từng chiếc dép rách, từng mẩu lon nhôm bán cho đồng nát lấy tiền mua tem và phong bì gửi bài cho báo.

Có lần mải mê viết thơ, Hoà để trâu ăn hết một phần nương ngô của người làng, con trâu bị họ bắt nhốt, gọi bố mẹ đến đền để chuộc trâu. Cách đền làng của người miền núi khi đó rất hay, cả hai bên dẫn nhau ra nương ngô, đếm xem trâu ăn hết bao nhiêu cây ngô thì đền bằng đấy bắp. Cả thẩy trâu nhà Hoà ăn hết hơn 100 cây ngô. Tối hôm đó, cậu bị bố phạt úp mặt vào tường để hối lỗi suốt mấy giờ liền.

Một buổi vừa đến giờ học. Cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp cầm theo một tờ báo được cuộn tròn lại, bên ngoài có ghi tên và địa chỉ lớp học của Hoà. Cô giáo gọi cậu lên nhận trong niềm vui thích. Hoà vội mở tờ báo ra, thấy bài thơ mình in trong đó, cậu reo lên trong niềm sung sướng còn các bạn trong lớp tranh nhau đọc. Ai cũng nửa tin nửa ngờ vì không nghĩ Hoà viết được như thế.

Những bài được đăng báo cứ dầy lên suốt những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường. Tiền nhuận bút đủ để Hoà đỡ đần bố, mẹ những khoản mua quần áo, sách vở.

Những câu thơ chờn vờn bóng núi

Tốt nghiệp phổ thông, Ngô Bá Hoà thi đậu hai trường đào tạo về văn chương là Trường Viết văn Nguyễn Du (Nay là khoa Viết văn, Báo chí – Đại học Văn hoá Hà Nội) và Khoa Sân khấu, Điện ảnh, Viết văn – Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Sau khi cất nhắc, Hoà chọn theo học Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Trong thời gian học tại trường, Hoà đã cho in tập thơ thiếu nhi có tựa đề: Lớp học mùa mưa. Tập thơ gồm 84 bài Hoà viết khi học phổ thông. Ngay trong năm đó, tập thơ đoạt giải B, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ của tỉnh Lạng Sơn (giải trao 5 năm một lần).

Thành quả bước đầu giúp Hoà tự tin hơn trên con đường mình theo đuổi. Sống ở thành thị, Hoà dần tiếp xúc với nhiều trường phái văn chương và dần định hình phong cách. Anh chọn viết thơ tự do vì nó khoáng đạt, mạnh mẽ, uyển chuyển nhưng khi cần mềm mại thì những con chữ cũng tung tăng nhảy múa. Anh lấy hình ảnh miền núi quê mình để biểu đạt những điều muốn nói trong thơ.

2.jpg

Tập thơ: Đôi mắt Sana, NXB Hội Nhà Văn là thành quả mới nhất trên hành trình thực hiện ước mơ của đứa trẻ vùng cao

Tốt nghiệp đại học, Hoà về công tác tại tạp chí Văn hoá các dân tộc, là biên tập viên chính của tạp chí. Hiện nay, Ngô Bá Hoà là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Anh đã xuất bản 4 tập thơ: Lớp học mùa mưa (2009), Cánh đồng cỏ úa (2014 tái bản 2020), Miên Linh (2019) và Đôi mắt Sana (2022).

Trong quá trình sáng tác, Ngô Bá Hoà cũng đã đạt được các giải thưởng: Giải thưởng Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn năm 2009; giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2014; Giải thưởng Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn năm 2014; Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng; giải thưởng bút trẻ của Báo Pháp luật Việt Nam.

Thơ Hòa mộc mạc trong cách diễn đạt, giản dị trong cách dụng ngôn nhưng vẫn chứa đựng những điều sâu sắc. Ngô Bá Hoà viết như để trả nợ những ân tình với quê hương vùng cao nên đọc thơ anh, hình ảnh bản làng cùng những cánh rừng, ngọn núi, dòng sông, con suối đã trở thành biểu tượng xuyên suốt trong các tác phẩm của anh.

Cuộc sống vất vả nơi thôn quê khiến những đứa trẻ vùng cao phải bươn chải phụ giúp cha mẹ từ khi còn nhỏ. Nhưng Ngô Bá Hòa đã bằng nghị lực của mình để biến ước mơ thành hiện thực. Và trên từng con chữ, câu thơ kia là những bãi nương, con suối…, là sỏi đá trên hành trình thực hiện ước mơ của đứa trẻ vùng cao.

Kim Truyền