Việt Nam thăng hạng về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo AI

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 09:25, 19/02/2022

Đây là năm đầu tiên, điểm trung bình của Việt Nam về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo AI đạt mức 51.82, vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới là 47.42.

Kết quả vừa được công bố trong báo cáo Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo  (AI) của chính phủ (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện. Đây là lần thứ 4 báo cáo chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu được xuất bản, sau từ năm 2017, 2019 và 2020.

ai.jpg
Việt Nam thăng hạng về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo AI

Trong lần đánh giá này, Việt Nam đứng thứ 62 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN, (so với năm 2020, tăng 14 bậc so với xếp hạng thế giới và tăng 1 bậc (thứ 6/10) so với ASEAN). 

Báo cáo lần này chia thế giới thành 9 khu vực gồm: Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Caribe, Tây Âu, Đông Âu, châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi, Nam và Trung Á, Đông Á và Thái Bình Dương. Báo cáo phân tích các ý kiến chuyên gia cho từng khu vực trên thế giới, mỗi khu vực chọn ra một quốc gia tiêu điểm, được xác định trở thành nhà lãnh đạo khu vực hoặc quốc gia có những sáng kiến điển hình, nổi bật về sự sẵn sàng AI.

Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu với 88.16 điểm nhờ vào quy mô và tốc độ phát triển trong lĩnh vực công nghệ với nhiều "kỳ lân" công nghệ. Singapore xếp thứ hai, đứng đầu khu vực Đông Á với 88.46 điểm bởi chỉ số quản trị nhân lực và năng lực đổi mới được đánh giá cao.

Nằm trong top 5 còn có Anh xếp thứ 3 với 81.25 điểm; Phần Lan xếp thứ 4 với 79.23 điểm và thứ 5 là Hà Lan với 78.51 điểm, phản ảnh thực tế rằng Bắc Mỹ và Tây Âu là những khu vực có các quốc gia dẫn đầu chỉ số trên toàn cầu.

Trước đó, năm 2021, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Ngay sau khi Chiến lược được ban hành, nhiều hoạt động hiện thực hóa Chiến lược đã được triển khai.

Đặc biệt, hoạt động quảng bá Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện hiệu quả trong năm 2021 với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation) hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Australia.

Việc tăng thứ hạng thể hiện sự đầu tư của Chính phủ các nước, trong đó Việt Nam vào công nghệ mới như AI là đúng hướng. Bảng xếp hạng là cơ sở giúp các chính phủ trong cung cấp dịch vụ cho người dân, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đến giao thông, AI có thể cải thiện việc cung cấp các dịch vụ công.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động trên toàn cầu, việc thúc đẩy quá trình số hóa các dịch vụ và dữ liệu sẵn có trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe rất quan trọng cho mục đích sử dụng công khai. Các chỉ số sẵn sàng để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để các chính phủ có thể xác định mục tiêu và cách thức tận dụng sự chuyển đổi số do AI hỗ trợ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc đánh giá và xây dựng bộ chỉ số dựa trên nhiều yếu tố như đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, ứng dụng, doanh nghiệp... đặc biệt là sự xuất hiện của chiến lược quốc gia về AI.

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược AI quốc gia, trong đó chỉ rõ Indonesia và Việt Nam đều đã phát hành các chiến lược quốc gia về AI trong thời gian kể từ năm 2020. Cả hai nước đều đạt điểm tối đa trong khía cạnh tầm nhìn năm 2021.

Chiến lược AI của Indonesia tập trung vào các dịch vụ y tế, cải cách quan liêu, giáo dục và nghiên cứu, an ninh lương thực, di chuyển và thành phố thông minh.

Trong khi Việt Nam đặt ra tham vọng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. 30% các quốc gia trong bảng xếp hạng có chiến lược quốc gia về AI và 9% xác nhận đang hướng tới chiến lược quốc gia.

Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng AI của chính phủ từ 160 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ của mình. Chỉ số được sử dụng như một công cụ để so sánh tình trạng hiện tại về mức độ sẵn sàng cho AI của chính phủ ở các quốc gia so sánh với các nước trong khu vực trên toàn cầu để học tập kinh nghiệm hữu ích phát triển.

Phương pháp đánh giá năm 2021 sử dụng 42 chỉ số (cao hơn 9 so với chỉ số của năm 2020) trên ba trụ cột (chính phủ, cơ sở hạ tầng và ngành công nghệ) với 10 khía cạnh thuộc nhóm nhân lực, dữ liệu và cơ sở hạ tầng, năng lực đổi mới, tầm nhìn, khả năng thích ứng, quản trị và đạo đức, năng lực kỹ thuật số, quy mô, tính sẵn có của dữ liệu. Việc mở rộng chỉ số mang lại bức tranh lớn và sâu hơn về sự sẵn sàng cho AI của các nước.

Trang Nhi