Nhiều thị trường tiềm năng cho tôm Việt
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 15:09, 18/02/2022
Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm.
Nếu ngành thủy sản Việt Nam tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng. Đặc biệt, tôm vẫn là sản phẩm chủ lực thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước.
Các báo cáo chuyên ngành của Vasep cũng nhận định trong vài năm tới, ngành tôm còn nhiều động lực để tăng trưởng, giai đoạn 2022-2025 có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD.
Phân tích ở góc độ thị trường, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, dù là sản phẩm chế biến hay tươi, sản phẩm tôm Việt đều được ưa chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều hơn so với nhiều đối thủ trực tiếp. Hơn nữa, trải qua các làn sóng dịch COVID-19, doanh nghiệp tôm đã linh hoạt thâm nhập từng thị trường theo lợi thế của mình.
Hiện nay, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của tôm Việt, chiếm 28% thị phần. Thị trường lớn thứ hai là châu Âu (bao gồm cả Anh) chiếm 21,8%, thứ ba là Nhật Bản 14,9%. Ở thị trường Trung Quốc, tuy có sụt giảm vẫn duy trì thứ tư với 10,6%, kế tiếp là Hàn Quốc 9,6%.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn vừa tạo nên một kỷ lục mới về sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm, với 7 tỷ USD và sản lượng trên 750.000 tấn. Tuy nhiên, tôm Việt Nam mới chỉ chiếm chưa tới 10% trong tổng nhập khẩu tôm hàng năm và Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trong số các quốc gia xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ.
Châu Âu (bao gồm Anh) vẫn là thị trường đầy tiềm năng với các sản phẩm ở phân khúc thị phần cao cấp. Đi liền đó, họ đòi hỏi sự kiểm soát kỹ lưỡng chuỗi sản phẩm của nhà nhập khẩu theo tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản).
Thị trường Nhật Bản dù biến động thất thường theo diễn biến COVID-19 ở đây. Tuy nhiên, mức tiêu thụ vẫn khá ổn định chỉ chuyển tiêu thụ từ mảng dịch dụ qua mảng bán lẻ. Lợi thế thị trường này là gần, giao hàng nhanh giảm rủi ro, thanh toán sòng phẳng. Tôm Việt vẫn được ưa chuộng do mẫu mã sản phẩm tôm ta đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều.
Vướng mắc lớn nhất là tất cả lô tôm Việt vào đây đều phải kiểm tra chặt chẽ mới thông quan, ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch tiêu thụ của phía nhà nhập khẩu. Trong khi đó, các thị trường khác như Hàn Quốc, Canada, Australia dù chưa chiếm tỷ trọng lớn nhưng duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá tốt. Đáng chú ý, tôm Việt đang chiếm vị trí hàng đầu ở Hàn Quốc và Australia.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, trong 2 năm dịch COVID-19 bùng trên diện rộng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gãy đổ, một số đối thủ cạnh tranh với thủy sản của Việt Nam bị “mắc kẹt” và chưa kịp khôi phục, ngành thủy sản Việt Nam đặc biệt là tôm đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, gia tăng thị phần ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu...
Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt, đạt 8,9 tỷ USD, vượt qua cả kỳ vọng của doanh nghiệp. Với kết quả này, Việt Nam vẫn "chắc chân" trong top các nhà xuất khẩu thủy sản lớn của thế giới.