Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN: Nội dung đóng góp của Việt Nam rất phong phú
Chính trị - Ngày đăng : 07:45, 18/02/2022
Xin ông cho biết ý nghĩa và kết quả của Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia?
Hội nghị Hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) tổ chức tại Phnom Pênh từ 16-17/2/2022 là sự kiện mang trong mình nhiều ý nghĩa.
Đây là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh COVID-19. Tổ chức thành công hoạt động này vừa thể hiện quyết tâm của Chủ tịch Campuchia vừa phản ánh nguyện vọng chung nối lại sự liên hệ gần gũi giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, duy trì trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế. Có thể thấy một số kết quả chính của Hội nghị như sau:
Trước hết, đoàn kết và nhất trí, linh hoạt và sáng tạo cùng hướng tới Cộng đồng ASEAN hoà bình, ổn định, phát triển bền vững, an toàn và thịnh vượng thể hiện rõ nét qua chương trình nghị sự của các Bộ trưởng. Tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN sau 2025 đang từng bước hình thành, giao thoa giữa các dân tộc tiếp tục được nâng lên tầm cao mới, an sinh xã hội cùng thu hẹp khoảng cách được đề cao.
Thứ hai, hợp tác vì phồn vinh chung cũng được đề cập trong trao đổi ở Hội nghị. Có thể nói, phục hồi bền vững sau đại dịch đang là chủ đề thu hút nhiều quan tâm và ưu tiên của các thành viên ASEAN. Nhiều nước bày tỏ hy vọng kết nối sẽ sớm được khôi phục, giao thương sẽ trở lại bình thường, hợp tác kinh tế giữa các quốc gia có những biến đổi về chất. Để tạo điều kiện cho tiến trình này, các Bộ trưởng đã nhất trí sẽ kích hoạt các thoả thuận và những kế hoạch đã được thông qua, tạo tiền đề cho nắm bắt cơ hội, phục hồi toàn diện, hướng tới tương lai của toàn Cộng đồng. Đáng chú ý, các nước đặt mục tiêu đầy tham vọng, đạt 5,1 % tăng trưởng toàn khu vực trong 2022.
Thứ ba, thành công của ASEAN trong suốt chiều dài lịch sử của Hiệp hội đang ngày càng thu hút sự quan tâm, chú ý của Cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, các đối tác trong đó có các nước lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ và các nước tầm trung như Hàn Quốc, Nhật Bản lần lượt đề xuất nâng cấp quan hệ với ASEAN cho thấy vị thế, hình ảnh và uy tín của ASEAN đang không ngừng được nâng cao.
Tuy vậy, không thể phủ nhận ASEAN đang phải đối mặt với không ít thách thức, cả những thách thức nội tại như dịch bệnh, bất ổn trong nội bộ thành viên, phức tạp trong tình hình trên biển lẫn những thách thức cố hữu lâu dài như suy thoái môi trường, cạnh tranh nước lớn và cả khoảng cách phát triển….Các Bộ trưởng đã trao đổi thẳng thắn và chân thành về tất cả những thách thức và định ra đường hướng cho hợp tác, cùng nhau ứng phó thành công. Các Bộ trưởng kết luận, đoàn kết nhất trí tiếp tục là nhân tố then chốt trong hoạt động của ASEAN. Xuất phát từ cơ sở đó và trên tinh thần thượng tôn pháp luật, các nước cần lấy hoà bình và ổn định là mục tiêu, đối thoại và hợp tác làm công cụ, cùng hướng tới tương lai.
Có thể nói, với thành công của Hội nghị lần này, một con đường mới đang mở ra cho Cộng đồng ASEAN thành công hơn nữa.
Xin ông cho biết về những đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị này?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia mọi hoạt động của Hội nghị. Nội dung đóng góp của Việt Nam rất phong phú, tập trung củng cố đoàn kết ASEAN, thúc đẩy tiến triển trong xây dựng Cộng đồng, phục hồi kinh tế, kiểm soát COVID-19; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN. Đoàn Việt Nam cũng đưa ra những gợi ý thấu đáo cho các vấn đề phức tạp nổi lên như tình hình Biển Đông, Myanmar và cạnh tranh nước lớn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã đề xuất những sáng kiến mang tính thời sự, hết sức thiết thực như thoả thuận công nhận giấy chứng nhận vaccine lẫn nhau trong khu vực, sử dụng hiệu quả Quỹ ASEAN phòng chống COVID-19,hay tiếp nối tiến trình thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua hợp tác phát triển tiểu vùng trong khu vực.
Không chỉ đề cập tới hợp tác trong ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề cập tới quan hệ đối ngoại của Hiệp hội. Bộ trưởng khẳng định, ASEAN cần có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng và hài hoà trong quan hệ với cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn. Trong quá trình xem xét các đề nghị do các nước đưa ra, ASEAN cần dựa trên lợi ích của khu vực, lấy ASEAN làm trung tâm, vừa duy trì quan hệ hoà hiếu vừa giảm thiểu tác động của bất đồng, tranh chấp giữa các quốc gia với phát triển của khu vực.
Là nước điều phối quan hệ ASEAN – Hàn Quốc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn giới thiệu với Hội nghị kế hoạch của Việt Nam dẫn dắt quan hệ ASEAN – Hàn Quốc phát triển với những sáng kiến phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung, bao trùm trong hành động như tổ chức Ngày Hàn Quốc tại ASEAN, trao đổi về lực lượng lao động sau dịch bệnh, thiết lập viện trung tâm nghiên cứu ASEAN – Hàn Quốc ở Hà Nội…
Thảo luận về tình hình quốc tế và khu vực, Bộ trưởng đã có những phát biểu quan trọng về Biển Đông và Myanmar. Cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN, Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS).
Các nước nhất trí sẽ xây dựng Tuyên bố chung kỷ niệm 20 năm Tuyên bố DOC, qua đó khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình và hợp tác, nơi tàu bè qua lại tự do và an toàn, các nước đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trên tinh thần đoàn kết ASEAN, hợp tác và xây dựng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đã trao đổi về tình hình Myanmar và khẳng định Myanmar là thành viên gia đình ASEAN, những vấn đề nội bộ của Myanmar sẽ do người dân Myanmar tự quyết định. Thông qua thực hiện Đồng thuận 5 điểm của Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021, Bộ trưởng đề nghị ASEAN và Myanmar phát huy tinh thần hợp tác và trách nhiệm với cộng đồng, hỗ trợ Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện cho các bên liên quan tìm kiếm giải pháp cho những bất đồng mâu thuẫn hiện nay. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ cam kết Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Đặc phái viên hoàn thành nhiệm vụ và nhấn mạnh ASEAN vẫn sẽ duy trì hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar trong mọi hoàn cảnh.
Ngày 17/2/2022, Campuchia đã ra Tuyên bố báo chí của Chủ tịch Hội nghị, phản ánh các cụ thể, chi tiết các kết quả của Hội nghị lần này.