Tọa đàm tham vấn đối với Dự thảo Đề án cải cách tư pháp tại TAND

Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 14:30, 17/02/2022

Để chuyên đề đảm bảo chất lượng, Ban cán sự Đảng TANDTC sẽ tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo lần cuối trước khi báo cáo Ban chỉ đạo xây dựng Đề án.

Sáng 17/2, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Tọa đàm tham vấn đối với dự thảo Đề án “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC dự và điều hành Tọa đàm.

Cùng dự có các Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương.

Về phía chuyên gia, nhà khoa học có GS.TSKH. Đào Trí Úc; GS.TS. Trần Ngọc Đường; GS.TS. Phan Trung Úy; GS.TS. Võ Khánh Vinh; GS.TS. Nguyễn Minh Đoan; GS.TS. Lê Hồng Hạnh; PGS.TS. Nguyễn Viết Thông; PSG.TS. Trung tướng Trần Văn Độ.

toa-dam2.jpg
PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC dự và điều hành Tọa đàm.

Phát biểu tóm lược những nội dung chủ đạo của Đề án, Chánh án TANDTC nguyễn Hòa Bình cho biết, Đề án này là một đề án cấu thành trong đề án lớn của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, để chuyên đề đảm bảo chất lượng, Ban cán sự Đảng TANDTC đã tổ chức nhiều Hội thảo, Tọa đàm tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài ngành TAND nhằm cụ thể hóa, cũng như hoàn thiện nội dung dự thảo. Chánh án Nguyễn Hòa Bình mong trong buổi Tọa đàm này sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo lần cuối trước khi báo cáo Ban chỉ đạo xây dựng Đề án.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã trình bày một số nội dung cơ bản trong Báo cáo tóm tắt: Thực trạng cải cách tư pháp tại TAND; Dự báo bối cảnh: quan điểm, mục tiêu của cải cách tư pháp tại TAND; Nhiệm vụ và giải pháp; Đánh giá tác động của giải pháp; Đề xuất…

Trong đó, mục tiêu tổng quát của Đề án được xác định: Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

toa-dam1.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cơ bản đồng ý với các nội dung của Đề án, đồng thời cũng tập trung thảo luận, cũng như đưa ra các ý kiến, xác định đầy đủ khoa học về nội hàm trong nội dung dự thảo.

Đánh giá cao sự cầu toàn Đề án, GS.TSKH. Đào Trí Úc, Giảng viên cao cấp Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Luật học cho biết, Chuyên đề báo cáo các vấn đề liên quan cải cách tư pháp nói chung và cải cách tư pháp tại TAND nói riêng rất toàn diện. Có thể nói Tòa án đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực cải cách tư pháp. Theo GS.TSKH. Đào Trí Úc, trong từng vấn đề liên quan, các quan điểm hoàn toàn phù hợp và bám sát với các nguyên tắc và quy định của Hiến pháp.

Theo GS.TSKH. Đào Trí Úc, nội dung của Đề án có hàm lượng khoa học cao, tiếp thu được những quan điểm, lý luận của cải cách tư pháp đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Trong đó có rất nhiều quan điểm có tính chất đổi mới, đột phá.

GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, Đề án hết sức công phu, tập hợp được rất nhiều những tư duy mới phù hợp với xu hướng chung của thời đại hiện nay về tư pháp.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận các ý kiến của các các chuyên gia, nhà khoa học với tâm huyết, trách nhiệm với khát khao cống hiến đóng góp cho hoạt động tư pháp. Chánh án TANDTC đánh giá các ý kiến, đề xuất tại Tọa đàm là chất liệu quan trọng để hoàn thiện dự thảo trước khi báo cáo Ban chỉ đạo xây dựng Đề án.

Mai Đỉnh