Thương mại điện tử trong năm 2022 sẽ có thêm nhiều bứt phá
Kinh tế - Ngày đăng : 12:29, 15/02/2022
Theo dự báo từ các chuyên gia, trong năm 2022 thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng thị trường và phục hồi sau đại dịch.
Để tạo đà cho thương mại điện tử phát triển, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết tới đây, Cục tiếp tục mở rộng chương trình gian hàng Việt trực tuyến quốc gia cũng như tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn tập trung hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và bức tranh toàn cảnh cho thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2022-2025 sẽ có nhiều bứt phá.
Đánh giá lại thị trường thương mại điện tử thời gian qua, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ, hai năm trở lại đây, người tiêu dùng đã dần quen và trở nên ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều này thể hiện qua số lượng đơn hàng thanh toán qua ví điện tử tăng gấp 10 lần. Đáng lưu ý, đến thời điểm này đã có một nửa dân số của Việt Nam mua sắm qua thương mại điện tử.
Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng lại là chất xúc tác rút ngắn khoảng cách giữa người và người mua.
Đặc biệt, trong việc phát triển ứng dụng cho thương mại điện tử đến năm 2025 thì khoảng cách này đã rút ngắn từ 1-2 năm so với kế hoạch.
Ngoài ra, những ngày cận Tết Nguyên đán vừa qua, các sàn thương mại điện tử lớn đã ghi nhận sức mua của người dân tăng từ 40-100%. Cụ thể, doanh thu trên sàn Tiki trong 4 tuần trước Tết tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt tập trung vào các ngành hàng điện tử và gia dụng; Lazada nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán.
Shopee cũng ghi nhận số lượng người mua và lượng đơn hàng tăng gần 100% trong dịp cao điểm bao gồm các ngành hàng thời trang, hàng tiêu dùng nhanh, điện tử....
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia, tới đây doanh nghiệp cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, nhất là với các sàn thương mại điện tử thay vì chỉ có một website hoặc chỉ có một fanpage Facebook như hiện nay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra các xu hướng như việc người tiêu dùng đang cần doanh nghiệp thương mại điện tử trợ giúp tìm sản phẩm họ cần, tinh gọn chuỗi cung ứng để rút ngắn thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm chuẩn.
Hơn nữa là sức hút mạnh mẽ từ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%.
Mặt khác, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng mong muốn các chính sách cần mang tính khuyến khích thương mại điện tử phát triển.
Đặc biệt, hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, các quy định chồng chéo được ban hành bởi nhiều bộ, ngành khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển./.