Héo hon phận hổ nuôi nhốt
Đời sống - Ngày đăng : 10:39, 13/02/2022
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2007, gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá) mua 10 con hổ, mỗi con nặng trung bình 7 kg của một người không quen biết và được đưa từ Lào về. Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử phạt hành chính. Tuy nhiên chưa đấu mối được nơi tiếp nhận, nên cơ quan chức năng cho phép gia đình ông Chiến được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ.
Đến năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 con hổ khác và một lần nữa bị xử phạt.
Ban đầu, trại hổ đặt trong khu chuồng nhỏ ở xóm 27, xã Xuân Tín khiến người dân bất an. Do bị những tiếng gầm rú của hổ quấy nhiễu nên các hộ dân kiến nghị chính quyền địa phương sớm có phương án xử lý.
Gia đình ông Chiến sau đó thuê đất ở cánh đồng Cồn Tàu Voi rộng 4.000m2, cách vị trí cũ khoảng 2,5 km để xây dựng khu nuôi nhốt.
Trong quá trình nuôi nhốt, vào các năm 2007, 2010, 2012 thì có 4 con hổ bị chết. Hiện đàn còn lại 11 con (7 cái, 4 đực) con lớn nhất 200 kg, con nhỏ chừng 100 kg. Không rõ mục đích nuôi hổ thực sự của gia chủ thế nào nhưng thú chơi này đã tiêu tốn rất nhiều tiền của họ.
Để đảm bảo an toàn, khu trại nuôi được xây dựng hệ thống tường rào cao bao quanh, bên trên lắp lưới thép B40, cao 4,5 m và có các lớp cửa kiên cố. Gia chủ cũng đã thiết kế các phòng phòng thú y, sinh sản, hành lang, khu vận động, ăn uống cho hổ đỡ cuồng chân... Tại các khu vực đều được lắp camera để theo dõi. Hằng ngày, đúng giờ hổ sẽ được cho ăn, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại.
Thức ăn chủ yếu của hổ là thịt cấp đông (gà công nghiệp) được chuyển từ Hà Nội về. Thi thoảng, đàn hổ cũng được đổi món bằng thịt lợn, thịt bò giá rẻ. Trung bình 1 ngày chúng ăn hết khoảng 100kg, vào mùa hè thì lượng ăn ít hơn so với mùa đông. Chi phí cho việc nuôi nhốt 15 năm qua đối với gia chủ là rất lớn khiến chủ nuôi cảm thấy mệt mõi.
Đàn hổ được nuôi nhốt từ nhỏ, ít vận động trong khu chuồng chật hẹp lâu năm, thức ăn thiếu dinh dưỡng nên tỏ rõ sự ể oải. Mỗi khi thấy người lạ chúng chỉ nhe nanh, quẩy đuôi chứ cũng không muốn thị uy là chúa tể. Vẻ như chúng hiểu được tình thế của mình khi sa cơ, môi trường tự nhiên không còn. Khi sự gắng gượng của gia chủ không thể cáng đáng được nữa thì số phận của chúng ra sao hoàn toàn chưa nói trước được.
Mấy năm gần đây, gia đình ông Chiến được vận động đã nhiều lần làm đơn tự nguyện chuyển giao đàn hổ cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, hoặc tổ chức phù hợp, song chưa thực hiện được vì vướng mắc phần kinh phí bồi hoàn. Các trung tâm cứu hộ sẵn sàng tiếp nhận số hổ, song không có tiền để chi trả theo yêu cầu của chủ trại nuôi.
Về phía chính quyền địa phương và Hạt kiểm lâm huyện Thọ Xuân đã nhiều lần làm việc với chủ trang trại nuôi hổ, nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi do vướng các quy định pháp luật. Tất cả đang mắc kẹt ở hai hướng, khuyến khích gia đình chuyển giao số hổ trên cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Nếu tiếp tục nuôi thì phải gia cố chuồng trại, đảm bảo an toàn, vệ sinh và sức khỏe cho đàn hổ. Dù theo hướng nào thì vấn đề kinh phí vẫn ở thế giằng co.
Hiện tại sức khỏe đàn hổ vẫn tạm ổn, số phận chúng ra sao thì chưa biết trước được. Đàn hổ vẫn tiếp tục phải thích ứng với chuồng nuôi chật hẹp, sống lay lắt qua ngày bằng món đầu gà công nghiệp và hy vọng gia chủ đừng cạn tiền nếu không chúng sẽ bị đứt bữa.