Du lịch Việt Nam kỳ vọng 'hồi sinh' với sức bật mới
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:44, 12/02/2022
Những con số của sự phục hồi
Theo Trung tâm thông tin của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh.
Cụ thể, lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021).
Kỳ nghỉ Tết vừa qua, nhiều tỉnh địa phương ghi nhận có sự tăng trưởng đột biến về khách du lịch. Với miền Bắc, theo thông tin từ Sở VHTTDL Lào Cai, tỉnh dự kiến đón trên 70.000 lượt khách, tăng khoảng 25.000 lượt khách so với dịp Tết Tân Sửu 2021. Tỷ lệ đặt phòng hiện tại ở các khu, điểm du lịch của Lào Cai và đặc biệt tại Sa Pa đã đạt khoảng 90% công suất.
Theo thống kê từ UBND tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 29 Âm lịch đến mùng 3 Tết Âm lịch, lượng khách đến với khu du lịch Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) đạt hơn 4.000 người; Đền Cửa Ông đón hơn 5.000 lượt người; Vịnh Hạ Long có gần 2.000 du khách tham quan.
Ninh Bình mở cửa đón khách ngoại tỉnh ngay từ ngày mùng 1 Tết. Thống kê sơ bộ, trong hai ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán), đã có gần 5.000 lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh đã ghé thăm các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình.
Ở miền Trung, các trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng thu hút lượng khách rất đông đến nghỉ dưỡng, vui xuân.
Tại Đà Nẵng lượng khách đến dịp Tết cũng tăng khoảng 16,71% so với năm 2021, ước đạt 35.939 lượt khách, trong đó khách nội địa là 35.204 lượt, tăng 16% so cùng kỳ (khách lưu trú là 25.500 lượt, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ). Trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần (từ ngày 29/1 - 6/2), dự kiến có tổng cộng 404 chuyến bay đưa du khách đến Đà Nẵng.
Tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng trong 5 ngày nghỉ lễ tính từ ngày 31/1 đến 4/2 đến Khánh Hòa đạt khoảng 65.500 lượt khách. Tổng lượt khách lưu trú tăng 241,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều khách sạn ở Khánh Hòa lần đầu tiên “full phòng” trong hai năm bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch.
Còn tại Lâm Đồng, tổng lượng khách đến tham quan, lưu trú từ 29/1 đến 2/2 đạt khoảng 27.000 lượt khách. Riêng TP Đà Lạt đón 25.000 lượt khách. Dự kiến tổng lượt khách đến Lâm Đồng từ 29/1 đến 6/2 đạt khoảng 80.000 lượt khách.
Trong khi đó tại khu vực miền Nam, hoạt động du lịch cũng không kém phần sôi động, náo nhiệt. Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc cho biết trong dịp Tết nguyên đán sẽ đón 368 chuyến bay tới đây. Theo ước tính của ngành du lịch Kiên Giang, trong ba ngày Tết có khoảng 80.000 lượt khách đến Kiên Giang du xuân.
Đây là tín hiệu đầy khả quan về chặng đường phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong năm mới, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch và lộ trình mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Du lịch Việt tạo sức bật mới
Những kết quả đạt được trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang mở ra những kỳ vọng, tạo đà thuận lợi để du lịch các địa phương khu vực Nam bộ tiếp tục đổi mới sản phẩm, nâng chất các dịch vụ, tiếp tục phục hồi và có sức bật mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam, thị trường du lịch trong giai đoạn “bình thường mới” đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải rất nỗ lực trong đổi mới sản phẩm, xây dựng các đường tour phù hợp. Nếu thực hiện tích cực, hiệu quả, đến hết quý I năm nay, đặc biệt là trong dịp hè 2022 sẽ thực sự là giai đoạn tăng tốc của các hoạt động du lịch ở Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, nghỉ dưỡng ngày càng đa dạng của du khách, thời gian qua, thị trường du lịch đã hình thành dòng sản phẩm du lịch kết hợp với bất động sản, nghỉ dưỡng, chơi golf, MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm). Trong đó, du lịch bất động sản được kỳ vọng mở ra hướng đi cho du lịch cao cấp, tạo sức bật mới giúp ngành Du lịch sớm phục hồi và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Gần đây, cụm từ “du lịch bất động sản” được nhắc đến nhiều, mang hàm ý về hình thức du lịch kết hợp với đầu tư bất động sản. Hình thức này nở rộ hơn khi các nhà đầu tư du lịch và bất động sản cùng kết hợp tìm giải pháp phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, lĩnh vực bất động sản đã góp phần vào việc phát triển du lịch, đặc biệt là thu hút khách lưu trú dài ngày và tăng tính trải nghiệm cho khách.
Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, đã có nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ giữa những nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch và bất động sản, nhằm xây dựng dòng sản phẩm du lịch cao cấp mới, tăng sức hấp dẫn đối với khách hạng sang, có khả năng chi tiêu cao. Với dòng sản phẩm này, du khách sẽ tham gia tour được thiết kế riêng để trải nghiệm các dịch vụ cao cấp, như: Tham gia giải golf, nghỉ dưỡng, tham quan các dự án bất động sản tiềm năng, tham dự các sự kiện, hội thảo (du lịch MICE)… Nếu có nhu cầu, du khách có thể trở thành nhà đầu tư bất động sản tại các dự án được giới thiệu.
Đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế khi du lịch kết hợp với bất động sản, Giám đốc Công ty Lữ hành VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, du lịch bất động sản không chỉ thu hút khách cao cấp để tăng doanh thu cho ngành du lịch, mà còn tạo cơ hội cho thị trường bất động sản có thêm các nhà đầu tư mới.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, sự kết hợp giữa những doanh nghiệp lớn của ngành du lịch và bất động sản sẽ tạo nên sức mạnh chung để thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời tạo ra dòng sản phẩm du lịch cao cấp, tăng thêm trải nghiệm cho khách hạng sang.
Kỳ vọng lớn khi du lịch Việt mở cửa trở lại
Để đạt được những kỳ vọng đề ra, không ít doanh nghiệp lữ hành cho rằng, du lịch cần nhất là phát triển sự bền vững và sự đồng lòng của các sở ban ngành, các địa phương.
Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Cty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) nhìn nhận, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm đến 10% GDP của cả nước, nên việc sớm phục hồi du lịch là hết sức cấp thiết cho nền kinh tế hiện nay. Mở cửa du lịch cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khi trở lại Việt Nam sẽ có sức bật mạnh mẽ, các cơ quan chức năng cần phải có những cơ cấu sau dịch COVID-19 để khắc phục những tổn thất và tái cấu trúc các loại hình hoạt động du lịch.
Trước mắt nên tập trung vào thị trường du lịch nội địa trước khi phục hồi trở lại du lịch quốc tế. Đó cũng là một trong những cách thích ứng linh hoạt, và dù có gặp bất cứ trường hợp nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể kiểm soát mà không còn bị hoang mang hay thiếu chủ động như trước đây. Điểm mấu chốt để kích cầu du lịch nội địa hay thu hút du khách quốc tế trở lại chính là truyền thông mạnh mẽ đến người dân cả nước và bạn bè thế giới rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Trong suốt 2 năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đã nỗ lực, biến “nguy thành cơ” để tận dụng thời gian tái đầu tư, đầu tư mới, bảo trì và bảo dưỡng, duy trì và giữ được lực lượng lao động 100%. Ví dụ như đối với lộ trình mở cửa du lịch, Sun Group cũng đưa ra một số đề xuất đáng chú ý như đối với thị trường quốc tế cần đảm bảo các điều kiện mà Chính phủ đưa ra; tạo điều kiện thuận lợi về chính sách cho du khách đến từ các thị trường trọng điểm gồm Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nga…
Ngoài ra, có chính sách tái cấu trúc thị trường du lịch bao gồm ra các bộ quy tắc ứng xử trong ngành du lịch và các bên cung cấp dịch vụ để định hướng phát triển du lịch bền vững. Với thị trường nội địa, cần tập trung vào công tác truyền thông mạnh mẽ về du lịch an toàn, khám phá thiên nhiên, du lịch sức khoẻ, du lịch trải nghiệm… Đồng thời đơn vị này đã đề xuất Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) bổ sung, thay thế các năng lực và nguồn nhân sự trẻ năng động, có nhiều sức sáng tạo, đặc biệt là ở chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Đây là một trong những nhân tố hỗ trợ tích cực nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam có thể sớm hồi sinh.
Việc mở cửa để đón du khách quốc tế được ví như những cơn mưa, tưới mát xuống những “vùng nắng hạn” chính là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Chúng ta không nên bàn mở lúc nào ngày nào mà bàn về giải pháp mở càng sớm càng tốt và mở thế nào cho phù hợp. Nếu không hành động, nếu không bàn giải pháp thì sau 1 năm nữa mở cũng sẽ lúng túng, phải bắt tay ngay có phát sinh rồi chỉnh sửa hoàn thiện, trễ quá chắc không còn doanh nghiệp nào đủ sức gồng gánh trụ nổi. Khi mở chúng ta cần thống nhất xuyên suốt từ trên xuống dưới, chứ không thể mỗi địa phương một kiểu khác nhau, miệng mở nhưng tay kéo cửa đóng lại thì rất mệt.
Trong Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 1, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp lữ hành đang gặp một số quy định khắt khe, nên cân nhắc mở rộng hoặc thậm chí loại bỏ nhằm giúp đơn vị lữ hành có thể nhanh chóng thực thi vào thời điểm mở cửa du lịch sau này. Còn Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Vũ Thế Bình mong muốn, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng những chiến dịch xúc tiến du lịch cụ thể tại các điểm du lịch tiềm năng, đồng thời có những kinh phí xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp.