Thủ tướng: Làm rõ, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm trong vụ tai nạn ở Gia Lai

Chính trị - Ngày đăng : 19:42, 09/02/2022

Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Gia Lai, có biện pháp xử lý nghiêm đối với lực lượng chức năng tại địa phương khi để xảy ra tình trạng xe ô tô tải chở quá số người quy định
thu-tuong-lam-ro-xu-ly-nghiem-ca-nhan-doanh-to-chuc-gay-tai-nan-nghiem-trong-o-gia-lai.jpg
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người tử vong.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 9/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Y tế; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; UBND tỉnh Gia Lai về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tỉnh Gia Lai.

Vào lúc 1 giờ ngày 9/2/2022, tại tuyến đường liên xã Đắk Sơmei - Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Xe ô tô tải chở mỳ (sắn) mang biển kiểm soát 81C-111.25 lao xuống vực sâu, làm chết 6 người, bị thương 3 người.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương, phân công lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn, phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, hỗ trợ, động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn.

Để khắc hậu quả vụ tai nạn giao thông và không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1- Đồng chí Chủ tịch UBND, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh:

- Huy động các điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn, có biện pháp xử lý nghiêm đối với lực lượng chức năng tại địa phương khi để xảy ra tình trạng xe ô tô tải chở quá số người quy định.

2- Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Gia Lai khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; lưu ý kiểm tra vi phạm về việc chở quá số người quy định đối với mọi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vi phạm về nồng độ cồn và chất ma túy trong cơ thể lái xe, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xảy ra tình trạng lái xe vi phạm. Đặc biệt, phải có phương án tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hoạt động trong thời gian từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các sự việc tương tự.

3- Bộ Giao thông vận tải

- Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai và các Sở Giao thông vận tải địa phương kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu phương tiện trong vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm; xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ xe) gây tai nạn nêu trên; kiểm tra điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương, kịp thời cung cấp thông tin liên quan về hạ tầng, tổ chức giao thông, phương tiện và người lái gây tai nạn cho cơ quan Công an để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn; có biện pháp xử lý ngay các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường nêu trên.

- Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường giám sát thông tin qua thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các lực lượng của ngành Công an và Sở Giao thông vận tải để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe vi phạm; tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt tập trung vào các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với lái xe kinh doanh vận tải. Rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ, hướng dẫn lái xe an toàn… Huy động mọi nguồn lực xử lý triệt để các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, nhất là các đoạn đường đèo dốc, xử lý ngay sự cố sạt lở, hư hỏng đường do mưa lũ gây ra.

4- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Khẩn trương phục hồi hoạt động vận tải công cộng nội bộ và liên tỉnh (kể cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa) trong điều kiện bình thường mới của tình hình dịch COVID-19 để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Chỉ đạo siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.

- Tiếp tục rà soát, phát hiện và xử lý triệt để các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên mạng lưới các tuyến đường do địa phương quản lý, lưu ý những tuyến đường đèo dốc, đường dân sinh; khắc phục ngay sự cố về hạ tầng để bảo đảm giao thông an toàn.

5- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Xuân Lan