Tín dụng tháng 1/2022 tăng mạnh nhất 10 năm qua

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 11:26, 08/02/2022

Tính đến ngày 25/1/2022, tăng trưởng tín dụng tăng 1,9% so với cuối năm 2021 – mức tăng tháng 1 mạnh nhất trong vòng 10 năm qua.

Từ số liệu nêu trên, báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu của Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ và tương đồng với các số liệu vĩ mô tháng 1.

tin-dung(1).jpg
Tín dụng tháng 1/2022 tăng mạnh nhất 10 năm qua

Cũng về vấn đế này, theo nhận định tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022, Cục Thống kê TP.HCM cho rằng, sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với nhiều lần điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã giúp doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn để tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nhờ vậy, trong năm 2022, các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14% và mặt bằng lãi suất sẽ chạm đáy vào năm 2022. Triển vọng tăng lãi suất phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Theo kịch bản cơ sở, SSI Research dự báo, lãi suất huy động sẽ tăng 20 - 25 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.

NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…

Báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, năm 2022, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng. Cụ thể, các gói cứu trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền, đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi.

VDSC cũng nhận định, các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế và từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng.

Trang Nhi