Chương trình xây dựng NTM ở Thanh Hóa tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Đời sống - Ngày đăng : 18:43, 07/02/2022
Trên cơ sở kết quả đạt được và căn cứ Bộ tiêu chí thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu đã được UBND tỉnh ban hành, ngay từ đầu năm 2021, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh có Văn bản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn của các thôn, bản và triển khai, thực hiện đảm bảo theo quy định của Bộ tiêu chí; đồng thời, đề nghị các huyện đăng ký danh sách các thôn, bản phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu để có cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện. Theo đó, năm 2021, toàn tỉnh có 120 thôn, bản miền núi đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM và 78 thôn, bản đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Năm 2021, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về mục tiêu, ý nghĩa của xây dựng thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu. Quán triệt quan điểm, định hướng của tỉnh về xây dựng thôn, bản NTM, NTM làm nền tảng quan trọng để hướng tới xây dựng huyện, xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Nhằm hỗ trợ, khuyến khích và động viên kịp thời các thôn, bản xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, Văn phòng đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu.
BCĐ các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã triển khai đến thôn, bản đăng ký phấn đấu đạt chuẩn tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng Đề án/Kế hoạch và tổ chức thực hiện theo các chỉ tiêu, nôi dung của tiêu chí thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu; trên cơ sở kết quả thực hiện, tổ chức đánh giá xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo đúng quy định.
Chỉ đạo các hội, đoàn thể trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện các phong trào, như “Chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh” “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “trồng hoa thay thế cỏ dại, tuyến đường xanh- sạch- đẹp” tham gia bảo vệ môi trường...
Để có kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện, các huyện đã tổ chức cho cán bộ huyện, xã, Ban Phát triển thôn, bản và hộ gia đình tiêu biểu đi thăm quan học tập kinh nghiệm ở những địa phương trong tỉnh có mô hình NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tiêu biểu.
Đáng chú ý, một số huyện đã có cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích các thôn xây dựng NTM kiểu mẫu, như: huyện Đông Sơn hỗ trợ thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 100 triệu đồng/thôn; 250 trđ/km giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, 70 trđ/km rãnh tiêu thoát nước khu dân cư, 150 trđ/km làm tường rào thông thoáng, 50 trđ/thôn di chuyển cột điện, 10-15 tr/đồng/vườn có diện tích 500m2 xây dựng vườn mẫu; huyện Quảng Xương hỗ trợ cho các thôn đạt chuẩn 100trđ/thôn và 75trđ/km làm tường rào lam thoáng; huyện Thạch Thành, hỗ trợ thôn NTM kiểu mẫu, mức 350-400 trđ/thôn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hoằng Hóa hỗ trợ thưởng các thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu từ 50-70 trđ/thôn, đầu tư xây mới, nâng cấp đường giao thông, rãnh tiêu thoát nước khu dân cư, chỉnh trang nhà văn hóa...Nhiều huyện miền núi mặc dù ngân sách còn khó khăn, nhưng cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các thôn, bản, như: hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng mô hình phát triển sản xuất và thưởng từ 20-100 triệu đồng/thôn đạt chuẩn NTM (Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Như Thanh, Bá Thước, Thạch Thành...).
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, năm 2021 trên địa bàn các thôn, bản đã đầu tư, cải tạo và nâng cấp trên 389 nhà văn hóa thôn, bản; xây mới, nâng cấp được 536,458 km đường giao thông nông thôn; 289,496 km kênh mương nội đồng; 318,3 km rãnh thoát nước khu dân cư; chỉnh trang 25.243 nhà ở dân cư; đầu tư được khoảng 33.208 công trình vệ sinh đảm bảo 3 sạch; vận động người dân hiến được 286.168 m2 đất để làm đường giao thông, tường rào thoáng; đáng chú ý, các thôn đã xây dựng trên 1.000 km hệ thống điện chiếu sáng, 257,37 km tường rào thoáng, trồng cây xanh, hoa trên các tuyến đường được 797,05km, làm đường tranh bích họa 129,66km, tạo nên diện mạo nổi bật ở nhiều vùng nông thôn sáng- xanh- sạch- đẹp. Các thôn sau khi đạt chuẩn, hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, rộng rãi, tỷ lệ km đường giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa đạt 100% và tỷ lệ đường có rãnh tiêu thoát nước đạt trên 90%...
Các địa phương tập trung chỉnh trang khu dân cư, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Các thôn đã quan tâm triển khai xây dựng mô hình phát triển sản xuất và phát triển kinh tế vườn để giúp người dân nâng cao thu nhập, như: Mô hình trồng đào cảnh tại các xã: Xuân Du (Như Thanh), Vân Sơn (Triệu Sơn) và Quảng Chính (Quảng Xương) cho thu nhập trên 500trđ/ha; mô hình cá- lúa- sen, sâm báo kết hợp du lịch cộng đồng tại xã Vĩnh Hùng và mô hình Canavan, du lịch nông thôn tại xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc); mô hình trồng ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ tại xã Thành Tâm (Thạch Thành); mô hình sản xuất trứng gà sạch, với quy mô gần 30.000 con, tại xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa); mô hình trồng khoai tây, dưa vàng trong nhà lưới tại các xã Nga Thành, Nga An (Nga Sơn); mô hình trồng rừng kinh tế, nuôi trồng thủy sản (cá tầm, cá hồi) và phát triển du lịch cộng đồng (homestay) theo Chương trình OCOP, gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa người Thái, tại bản Năng Cát (xã Trí Nang, Lang Chánh),...sản xuất phát triển đã giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. So với lúc bắt đầu triển khai, thu nhập bình quân đầu người của các thôn đều tăng và hộ nghèo giảm đáng kể. Tại các thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn hộ nghèo đa chiều, thu nhập bình quân đạt 55-70 triệu đồng/người/năm.
Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban phát triển thôn, bản ngày càng quan tâm chú trọng đến phát triển giáo dục, y tế và vệ sinh môi trường nông thôn. Chất lượng giáo dục, đào tạo có bước phát triển toàn diện. Công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng, tăng cường, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Công tác bảo vệ môi trường được các địa phương quan tâm chỉ đạo, đã có sự chuyển biến tích cực khu vực nông thôn; xây dựng cảnh quan sáng-xanh-sạch, đẹp (tỷ lệ cây xanh, bóng mát, đường hoa, đường tranh bích họa, đường điện sáng ngày càng tăng); việc thu gom rác thải rắn, rác thải nguy hại từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Thông qua thực hiện xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, bản được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, có phẩm chất chính trị tốt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gần dân gũi với nhân dân; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng lên, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn được đảm bảo.
Trong năm 2021, toàn tỉnh có 192 thôn, bản đạt chuẩn NTM (trong đó, có 146 thôn miền núi) và 99 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 10,9 tiêu chí/thôn.
Xây dựng NTM đã tạo ra diện mạo khá rõ nét trong khu dân cư; nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, tư duy sản xuất hàng hóa được nâng lên; hình thành mô hình phát triển kinh tế ở thôn, bản theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với triển khai Chương trình OCOP. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của nhân dân đã có bước khá hơn; giá trị văn hóa truyền thống của mỗi làng quê được giữ gìn và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng được quan tâm, coi trọng, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau được tăng cường. Chất lượng môi trường nông thôn đã có bước chuyển biến rõ nét, ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường được nâng lên, cảnh quan nông thôn sáng - xanh- sạch- đẹp, an toàn, những làng quê NTM kiểu mẫu yên bình, trù phú, trở thành nơi đáng sống được hiện hữu.