310 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ trong 5 ngày Tết
Đời sống - Ngày đăng : 10:39, 05/02/2022
Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành trên toàn quốc, trong 5 ngày nghỉ Tết, đã có 2.781 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 2% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 1.088 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 9 trường hợp tử vong.
Trong đó, ngày 4/2 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022) có 546 trường hợp cấp cứu do đánh nhau, giảm 26,7% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021; số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 211 trường hợp, giảm 26,2% so với cùng ngày năm trước; có 56 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, không có ca tử vong.
Cũng trong ngày mùng 4 Tết, tổng số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 74 trường hợp, giảm 44,8% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021, trong đó 59 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia, giảm 45,4% so với cùng ngày năm ngoái.
Cả nước chỉ ghi nhận 3 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, giảm 40% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021), chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.
Như vậy, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán có 486 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,3% tổng số khám, cấp cứu.
Trước đó, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành "Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022".
Kế hoạch được thực hiện từ 20/12/2021 đến hết 12/3/2022 trên phạm vi cả nước với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trước ngày 5/1/2022. Các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, từ cấp tỉnh đến quận, huyện, xã, phường, từ ngày 5/1 đến 12/3/2022.
Tính đến ngày 4/2/2022 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước là 79.136 bệnh nhân.
Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 39.142 bệnh nhân, giảm 17,8% so với cùng ngày mùng 4 Tết Tân Sửu 2021; nhập viện điều trị nội trú 19.174 bệnh nhân (chiếm 54%), giảm 23,3%; chuyển viện 445 bệnh nhân, thực hiện 2.430 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 511 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân.
Các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 2.446 trẻ chào đời và cho xuất viện 1.041 bệnh nhân điều trị khỏi, về nhà ăn Tết.
Sau 5 ngày nghỉ Tết, đã có 22.325 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 14% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021.
Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 12,7% tổng số ca khám, cấp cứu chung. Trong số đó, có 6.827 trường hợp phải nhập viện điều trị, chiếm 30,6% tổng số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 23,1% so với cùng kỳ; có 207 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 23 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021.
Cả nước có 310 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 24 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021, không có ca tử vong; có 34 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác, không có trường hợp tử vong.