Những doanh nhân kỳ cựu tuổi Nhâm Dần
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 22:01, 01/02/2022
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai
Ngay cả lúc HAGL còn là một xưởng mộc nhỏ đến khi thành công ty có giá trị vốn hoá tới tỷ USD, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vẫn xuất hiện với phong cách không màu mè với những chiếc áo sơ mi giản dị, quần jeans nhạt màu.
Doanh nhân sinh năm 1962, tuổi Nhâm Dần này đã trải qua cả những đỉnh cao và vực sâu trên thương trường. Sau khi niêm yết HAG lên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) vào năm 2008, ông liên tục lọp vào top 5 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Bất động sản từng là "con gà đẻ trứng vàng" của HAG giai đoạn 2006-2008, lúc đó doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng cao từ việc bán căn hộ phủ sóng khắp quận 7, Nhà Bè. Ngoài bất động sản tại Việt Nam, ông cũng gây tiếng vang khi đầu tư các dự án khu phức hợp Myanmar.
Trong khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, cuối 2012, Bầu Đức bất ngờ thoái vốn khỏi bất động sản, bán dần các quỹ đất vốn là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Song nông nghiệp sau đó thua lỗ nhiều năm vì giá cao su lao dốc, doanh nghiệp luôn chịu áp lực xử lý nợ.
Cũng giai đoạn này ông nhanh chóng "tuột dốc" khi vướng nhiều lùm xùm trong hoạt động kinh doanh. Càng lao vào nông nghiệp ông càng khiến khoản nợ của HAGL phình to, có lúc lên tới 36.000 tỷ đồng.
Với tính cách nghĩa hiệp và tự tôn, ông Đức luôn đau đáu trả quả "bom nợ" ấy để đưa HAGL trở lại vạch xuất phát. Sau nhiều lần "thử rồi sai", năm 2021, ông mới có thể vực dậy HAGL qua hoạt động trồng chuối và nuôi heo.
Theo ông Đức, HAGL đã giảm nợ từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự tính, chỉ 1-2 năm nữa, HAGL xoá sạch các khoản nợ. Năm 2022, công ty của ông đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.820 tỷ, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng.
Không chỉ để lại nhiều dấu ấn trong kinh doanh, ông Đức còn là doanh nhân góp công mang lại vẻ vang cho cho bóng đá Việt Nam. Hai thập kỷ qua, Bầu Đức để lại nhiều dấu ấn trong bóng đá khi mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002. Ông cũng hợp tác với câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh - Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007. Bên cạnh đó, 2018 ông cũng là người mời ông Park Hang-seo về làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam...
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB và Tập đoàn T&T Group
Cũng như "Bầu Đức", "Bầu Hiển" là cái tên không còn xa lạ với người yêu bóng đá Việt Nam bởi những đóng góp âm thầm của ông dành cho các đội tuyển trong hàng chục năm qua. "Nồng độ bóng đá trong người tôi có khi còn cao hơn các cầu thủ", ông cười lớn khi nhắc về môn thể thao vua này.
Tuy nhiên để chọn giữa hai danh xưng "bầu Hiển" và doanh nhân Đỗ Quang Hiển, ông vẫn thích được gọi bằng vế thứ hai. Mê bóng đá là vậy nhưng ông cho rằng mình đóng góp được nhiều hơn với vai trò doanh nhân.
Từ một sinh viên theo học ngành Vật lý vô tuyến ước mong làm nhà khoa học, đời doanh nhân theo ông "như một cái duyên vận vào người".
28 năm gầy dựng và phát triển Tập đoàn T&T Group, cũng có lúc ông từng mang danh "chúa chổm" vì công việc kinh doanh không thuận buồm xuôi gió. Nhưng vượt qua vài năm khó khăn, ông vực dậy thương hiệu T&T thành công vào năm 2006 bằng mảng sản xuất linh kiện.
Cũng không lâu sau đó, ông bước chân vào lãnh địa mới khi đầu tư vào nhà băng SHB (khi đó là Ngân hàng nông thôn Nhơn Ái) và trở thành chủ tịch.
Dưới tay bầu Hiển, năm 2016 - SHB tiếp quản Habubank, đánh dấu thương vụ tái cơ cấu tự nguyện đầu tiên của ngành ngân hàng. Quy mô tài sản và vốn điều lệ tăng mạnh sau sáp nhập nhưng tỷ lệ nợ xấu của SHB cũng đồng thời vọt lên mức 12,88%.
Những ngày tháng bất đắc dĩ làm "chúa chổm" theo Chủ tịch SHB, đã dạy cho ông "mẹo" đi đòi nợ xấu ngân hàng hiệu quả, giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp gắn với câu chuyện tái cơ cấu của Habubank như Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) hay Công ty tài chính Vinaconex-Viettel.
"Lọc máu" sau giai đoạn tái cơ cấu, SHB giờ đây là một ngân hàng vị thế tầm trung trong nhóm quy mô tài sản 500.000 tỷ, lợi nhuận trong top 10 nhà băng tư nhân, năm gần nhất trên 6.000 tỷ.
Sau nhiều năm trên thương trường, doanh nhân tuổi Nhâm Dần này cũng đã chuẩn bị dần cho việc chuyển giao cho thế hệ sau. Ông có hai con trai và Đỗ Vinh Quanh và Đỗ Quang Vinh đều tham gia vào hoạt động kinh doanh tại T&T Group và SHB.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, cựu Chủ tịch LienVietPostBank
Nói đến ông Nguyễn Đức Hưởng, người ta vẫn thường nhắc về cặp bài trùng "Minh Him Lam – Hưởng Liên Việt" gắn liền với sự ra đời và phát triển Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) – nhà băng có mạng lưới rộng khắp cả nước.
Tham gia Ngân hàng Liên Việt (tiền thân của LienVietPostBank) từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Đức Hưởng sát cánh cùng ông Dương Công Minh, đưa ngân hàng vượt qua nhiều cột mốc, từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cho đến thương vụ sáp nhập với Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện.
Năm 2014, LienVietPostBank cùng với Him Lam rót vốn và phát triển các dự án trồng mắc ca có giá trị cao, giúp người nông dân cải thiện đời sống kinh tế. Ông Hưởng sau đó trở thành Phó chủ tịch hiệp hội Mắc ca.
Suốt nhiều năm, ông được biết đến là một lãnh đạo ngân hàng "đậm chất nông dân", gắn liền với những dự án phát triển cây mắc ca tại Việt Nam.
Từ một giống cây trồng "hỏi đến không ai biết, lo ngại trồng rồi không ai mua", người nông dân đã phát triển những cánh rừng mắc ca trải dài tại nhiều vùng miền Việt Nam. Họ kể về mắc ca rằng, "loài mắc ca thật dễ tính! Chỉ cần giống chuẩn, đào hố vừa sâu, cắm xuống, là nó lên tốt như cây rừng".
Trong vai trò là Phó chủ tịch hiệp hội mắc ca, ông Hưởng được xem là một trong những người đầu tiên gieo mầm loại cây "nữ hoàng của hạt khô" này tại Việt Nam.
Con đường làm ngân hàng của ông từng gắn liền với nhiều chuyến đi thực tế, trò chuyện và làm bạn với người làm nông.
Năm 2017, ông Nguyễn Đức Hưởng lên nắm quyền Chủ tịch LienVietPostBank sau khi ông Dương Công Minh rời đi. Dưới cương vị chủ tịch, điều đầu tiên mà ông Hưởng làm chính là đưa LienVietPostBank chào sàn chứng khoán với mã LPB. Sau chục năm gây dựng, LienVietPostBank lúc đó có quy mô tài sản 165.000 tỷ đồng và mức lợi nhuận gần 1.800 tỷ.
Sau khi đưa nhà băng lên sàn, vào năm 2018, ông Hưởng bất ngờ nhường lại vị trí chủ tịch vì lý do sức khoẻ và vắng bóng trong gần ba năm.
Tới gần đây, ông mới chính thức tái xuất thương trường khi tham gia vào hội đồng quản trị CMVietNam. Doanh nghiệp này ban đầu hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực, sau đó mở rộng sang lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng...
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte
Bà Hà Thị Thu Thanh là một "nữ tướng" gạo cội và có nhiều đóng góp đối với ngành kiểm toán độc lập Việt Nam. Bà đã "thở cùng một nhịp" với lịch sử 30 năm hình thành và phát triển của ngành kiểm toán độc lập, ngay từ những ngày đầu Việt Nam thực hiện chiến dịch cải cách kế toán toàn quốc những năm 80 của thế kỷ 20. Nữ doanh nhân sinh năm Nhâm Dần này đang là chủ tịch và cũng là một trong những nhà sáng lập Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam.
Bà từng là một cán bộ của Bộ Tài chính trước khi được điều chuyển sang Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) – công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam và cũng là tiền thân của Deloitte Việt Nam sau này. Tại đây, bà là một trong 5 người đầu tiên được cử sang Mỹ để học tập và làm việc về ngành kiểm toán.
Bà Thanh được mệnh danh là "người đàn bà thép" với những giá trị tiên phong trong việc phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam. Gần 40 năm kiên định trong lĩnh vực gắn liền với "số má", bà Thanh đã dẫn dắt một doanh nghiệp có vốn nhà nước phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi mô hình sở hữu, trở thành một thành viên của Deloitte Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Deloitte là một trong "Big 4" kiểm toán có khoản doanh thu nghìn tỷ mỗi năm.
Ngoài lĩnh vực kiểm toán, bà còn được biết đến như một chuyên gia kỳ cựu với thế mạnh về tư vấn chuyên ngành, quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững. Bà Thanh cũng giữ nhiều vai trò chủ chốt trong các tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Sáng kiến Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VCGI), CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)...
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI, Pangroup
Năm 1962, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, chào đời trong một gia đình nhà giáo nghèo, bố mẹ đều là giáo viên. Ông được chọn đi du học Đông Âu, để trở thành một nhà khoa học và về làm cho một cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng người thanh niên tuổi Nhâm Dần này sớm thấy mình hợp với nghiệp doanh nhân hơn.
Ông đã sáng lập ra PAN Pacific và từng là chuyên tư vấn nổi tiếng cho nhà đầu tư nước ngoài với hai thương vụ lớn là khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ôtô Hòa Bình.
Năm 1999, ông Hưng sang Thái Lan học về đầu tư, về nước lập ra Công ty cổ phần chứng khoán SSI với số vốn đăng ký 420.000 USD. Chứng khoán SSI có mặt cùng năm với sự ra đời của thị trường chứng khoán tại Việt Nam, là công ty tư nhân đầu tiên được cấp phép thành lập. Đến nay, SSI hiện là công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường với vốn điều lệ trên 9.847 tỷ đồng và đang có kế hoạch tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng là một trong những người đóng góp đáng kể vào phát triển thị trường chứng khoán tại Việt Nam. Ông cho thấy mình là người luôn ủng hộ tính minh bạch và sự công bằng cho các nhà đầu tư ở mọi quy mô. Ông cũng là một trong nhưng doanh nhân đầu tiên sử dụng mạng xã hội và không ngại chia sẻ những quan điểm thẳng thắn của mình với nhà đầu tư.