Mồng ba Tết thầy

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 14:41, 03/02/2022

Câu nói “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” không chỉ là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết mà nó còn là cách người Việt ta thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo.

Nhân ngày mồng ba Tết năm Nhâm Dần 2022, PV báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với Nhà giáo - PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan về ngày Mồng ba Tết thầy!

“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” là câu nói có ý nghĩa nhân văn, tôn lên truyền thống uống nước nhớ nguồn, kính hiếu cha mẹ, tôn sư trọng đạo. Là một Nhà giáo, trong ngày đặc biệt Mồng ba Tết cảm xúc luôn thật đong đầy và hạnh phúc.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, vào mỗi dịp Tết về là đều đọc câu này và khi lớn hơn chút chúng tôi đều thực hiện đi Tết thầy mỗi khi có thể vào ngày mồng ba Tết. Hôm đó, bất kể là thời tiết có như thế nào nhưng chúng tôi luôn cảm thấy sự ấm áp và hứng thú mỗi khi được gặp thầy, cô vào ngày đầu năm mới.

Đôi khi chỉ là e thẹn, nói lời chúc mừng năm mới hay chỉ ngồi không dám nói gì nhưng nhìn thấy thầy, cô trong không khí Tết cũng là niềm hạnh phúc. Có lẽ câu nói trên đã ăn sâu vào tiềm thức và tâm hồn tôi, để bây giờ tôi tiếp tục theo chân các thầy, cô trở thành một Nhà giáo. Tôi rất trân trọng những người thầy, người cô đã, đang và sẽ dạy tôi những bài học không chỉ trên lớp. Với thế hệ chúng tôi, giáo dục gắn liền với công nghệ và thời hiện đại, việc Tết thầy có khác nhưng về bản chất vẫn thể hiện tinh thần nhân văn của dân tộc uống nước nhớ nguồn, kính hiếu cha mẹ và tôn sư trọng đạo.

1.jpg
Thầy, cô được ví như những người lái đò trên dòng đời xuôi ngược

Trong không khí se lạnh của những ngày tết cổ truyền khi mọi người đều tràn ngập cảm xúc mong chờ mùa xuân mới, một năm mới với nhiều khởi sắc. Mồng ba Tết thầy đã trở thành nét đẹp truyền thống.

Đã thành truyền thống, câu nói “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” luôn ngấm vào từng con người Việt. Tết thầy luôn thể hiện sự linh thiêng, biết ơn của tôi đối với các thầy, cô và cả những người đã luôn giúp tôi hoàn thành công việc đào tạo. Mồng ba Tết cũng là dịp để tôi kiểm điểm lại xem năm qua mình đã đóng góp được gì cho giáo dục, mình đã nâng cao năng lực cho bản thân như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hiện đại. Mỗi chúng tôi, những Nhà giáo sẽ cảm thấy hữu ích hơn nếu như mình thực sự hiểu và biết trân trọng, áp dụng ý nghĩa của truyền thống Tết thầy.

Nghi thức chúc Tết thầy vào ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người, mồng ba Tết năm nay so với mọi năm có những điều đặc biệt hơn.

Mồng ba tết năm nay, dù không có cơ hội được đi Tết thầy, tôi luôn mong và cầu chúc các thầy, cô giáo những điều tốt đẹp nhất. Chúc thầy, cô luôn giữ ấm ngọn lửa giáo dục để tiếp tục ươm, vun trồng những con người hữu ích cho xã hội.

2.jpg
Mồng ba Tết thầy, thể hiện đạo lý tôn sư trọng đạo

Ý nghĩa của ngày này thật đặc biệt, đó không chỉ là lòng biết ơn của tôi giành cho các thầy, cô mà nó còn thôi thúc tôi cần tích cực, tiếp tục cố gắng hơn. Chúng tôi những nhà giáo của thời công nghệ và hiện đại, sẽ có nhiều thách thức, nhưng với năng lượng được tiếp sức từ các thầy, cô, từ người học và hiểu được ý nghĩa của nghề, chúng tôi sẽ vượt qua.

Mồng ba Tết thầy, đây không chỉ là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô, mà còn là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chúc mừng nhau trong dịp Tết đến, xuân về và ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ.

Để kể về một kỷ niệm của ngày Tết thầy, tôi có nhiều kỷ niệm nhưng có lẽ tôi sẽ kể về ngày Tết thầy cách đây gần 3 thập kỷ. Đây là một kỷ niệm nếu kể bây giờ có vẻ rất đơn giản nhưng lúc đó với tôi lại rất ý nghĩa. Khi đó, chúng tôi là những cô cậu học trò cấp 3 và trong một ngày mưa rét đã tụ tập nhau để đến nhà thầy chúc Tết. Ở tuổi vô lo vô nghĩ đó, chúng tôi sau khi đi đến hết các nhà thầy, cô và sau cùng đến nhà thầy chủ nhiệm thì tất cả đám học trò đều đói quá.

Thầy chủ nhiệm với sự cảm nhận từ trái tim của người thầy, thầy biết chúng tôi cần gì và chưa kịp e thẹn nói hết lời chúc Tết thì đã có sẵn bánh trưng, thức ăn mời chúng tôi. Tôi và các bạn có lẽ chưa bao giờ thấy có bữa bánh trưng ngon đến thế. Ngon không chỉ ở thức ăn mà còn là cả sự ấm áp và hiểu trò của thầy. Bài học tôi giờ vẫn mang theo đó là người thầy không chỉ là truyền đạt kiến thức mà là cả truyền cảm xúc, phải thực sự hiểu học trò.

3.jpg
Người thầy không chỉ người truyền đạt kiến thức mà là cả truyền cảm xúc, phải thực sự hiểu học trò

Tục ngữ Việt Nam có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.” Những đạo lý ấy ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt, qua đó có cơ hội bày tỏ sự hiếu nghĩa với những người thầy, người cô của mình.

Việc giáo dục với tôi là một hành trình khám phá, tôi có khám phá được gì hay không sẽ phụ thuộc vào cả những người đồng hành cùng tôi, đó là học trò. Tôi mong muốn mình không chỉ chia sẻ kiến thức, kỹ năng, thái độ đạo đức mà còn truyền cảm hứng và cùng xây dựng năng lực tích cực để ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống. Nhất là với chúng tôi, những Nhà giáo tham gia vào giảng dạy về chuyên ngành Công tác xã hội, để làm việc được chúng tôi cần trái tim ấm áp, thấu hiểu, cam kết với nghề.

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần và đúng vào ngày mồng 3 Tết thầy đầy ý nghĩa này, tôi xin gửi lời chúc năm mới và bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy, cô, những người luôn là từng ngày, từng giờ thắp sáng ước mơ cho bao thế hệ. Tôi cảm ơn các thế hệ học trò và mong họ sẽ có những đóng góp hữu ích cho xã hội dù rất nhỏ.

Xin được cảm ơn Nhà giáo - PGS.TS Nguyễn Thị Thái Lan về cuộc trò chuyện!

Kim Truyền