Người viết hành trình đưa Lan Hồ điệp Việt ra…toàn cầu
Đời sống - Ngày đăng : 10:42, 01/02/2022
Tiên phong “săn” bằng được…công nghệ
1 năm trước, tôi gặp doanh nhân Nguyễn Văn Kính người tiên phong đưa công nghệ sản xuất Lan Hồ điệp tiên tiến nhất thế giới về Việt Nam. Suốt cuộc trò chuyện, ông say sưa nói về đặc tính của từng loại lan và quyết tâm cùng người nông dân làm giàu từ hoa lan trên chính cánh đồng quê hương.
Từ đó, với việc đầu tư bài bản, khoa học và định hướng tập trung phát triển hoa lan thương phẩm và cây giống, ông cùng tập thể Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu đã trở thành nhà sản xuất hoa, cây giống Lan Hồ điệp lớn nhất Việt Nam, vươn tầm Châu Á. Hiện Công ty Toàn Cầu đang xây dựng tổ hợp sản xuất Lan Hồ điệp quy mô dự tính từ 30ha đến 50ha lớn nhất Châu Á theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với tổng số vốn dự kiến từ 5 đến 7 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án, doanh nghiệp đã ‘đổ” hơn 2.500 tỉ đồng để đầu tư, xây dựng hơn 30.000 m2 nhà kính trồng Lan Hồ điệp, hơn 6.000 m2 nhà nuôi cấy mô có diện tích lớn, hiện đại vào loại nhất thế giới (tại Đài Loan – Trung Quốc mới chỉ có nhà rộng 2000m).
Để minh chứng cho điều này, đi cùng ông một vòng quanh dự án, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về mức độ “chịu chơi”. Bởi chính doanh nhân Nguyễn Văn Kính đã tìm tới tận Hiệp hội hoa Lan Đài Loan và nơi nuôi cấy mô tiên tiến nhất Đài Loan để nghiên cứu vì đây là xứ sở hàng đầu thế giới về công nghệ sản xuất Lan Hồ điệp. Từ đó, ông cùng công ty đã quyết định bỏ hàng nghìn tỷ đầu tư nuôi cấy mô và tự tin cùng người Đài Loan xuất khẩu hoa lan. Ông làm việc mà từ trước đến nay người Trung Quốc vốn nổi danh trồng hoa cũng không làm được.
Nhận thấy, làm nông nghiệp “không thể tách rời khoa học” và phải hướng đến việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, gắn với việc không ngừng nghiên cứu để cho ra những giống cây có chất lượng cao, hiệu quả lớn. Với suy nghĩ và quyết tâm đưa công nghệ sản xuất hoa Lan Hồ điệp tiên tiến nhất thế giới về Việt Nam bằng được, Công ty Toàn Cầu đã đầu tư một nhà nuôi cấy mô rộng 6000m, trong đó “trái tim” là một phòng nuôi cấy đạt tiêu chuẩn như phòng mổ của y tế, rộng tới 2.500m2 để cho ra những cây giống đạt tiêu chuẩn cao nhất. Đồng thời, Công ty Toàn Cầu còn tuyển hàng chục kỹ sư trẻ mới ra trường cho sang Đài Loan để học tập, tiếp cận kỹ thuật. Mỗi kỹ sư học hỏi khoảng 3 năm thì có thể đạt được trình độ và trở về làm việc. Kỹ thuật nuôi cấy mô đã khó, kỹ thuật chăm sóc lan còn khó hơn. Và cuối cùng, ông đã làm xong việc khó nhất: Đạt được thỏa thuận mua 40% cổ phần công ty có công nghệ và chất lượng hoa tốt nhất Đài Loan để hai bên luôn tương thích - cập nhật công nghệ, lúc nào cũng đứng đầu thế giới.
Được biết, Công ty Toàn Cầu đang sản xuất cây giống hoa lan với sản lượng dự kiến có thể đạt được 10 triệu cây/năm. Trong toàn bộ quy trình sản xuất hoa và cây giống Công ty Toàn Cầu đều kiểm soát nghiêm ngặt mọi yếu tố kỹ thuật như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm...Hàng ngày, một kỹ sư sẽ có ít nhất 5 lần theo dõi nhiệt độ trong nhà kính để bảo đảm luôn đạt chuẩn. Không những thế, Công ty còn đầu tư xây dựng một nhà máy cấp nước với công suất 1000 m3/ngày để phục vụ nước tưới cho hoa lan. Trong khi đó nước để trồng và chăm sóc hoa luôn được xử lý theo công nghệ lọc nước thẩm thấu RO (nước tiệt trùng có thể uống trực tiếp) để lan sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Nguyên vật liệu phục vụ nuôi trồng và cấy mô được nhập khẩu 100% từ Hoa Kỳ, Chilê, Đài Loan theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của cây giống đạt chất lượng cao nhất.
Chính vì vậy, doanh nhân Nguyễn Văn Kính tự hào cho biết: Việt Nam, Công ty Toàn Cầu đã làm chủ được công nghệ trồng Lan Hồ điệp đẳng cấp thế giới “muốn hoa nở vào thời điểm nào, màu sắc nào đều có thể”. Vì vậy, Lan Hồ điệp Toàn Cầu đã khẳng định được thương hiệu đẳng cấp của riêng mình. Vào dịp cuối năm, công ty đã sản xuất gần 25 vạn cây lan nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Nặng lòng” với đất và người
Để tạo nên thương hiệu “Lan Hồ điệp Toàn Cầu” chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn tầm thế giới như hiện nay, chắc hẳn doanh nhân Nguyễn Văn Kính phải có một tình yêu hoa “ngấm vào trong máu thịt”. Bởi ít ai biết rằng, hơn 20 năm trước, ông mới “chập chững” bước vào nghề trồng hoa cũng đã từng “nếm” trái đắng khi mất cả triệu đô.
Đó là đầu những năm 2000, khi người kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội đã trải qua tới hàng chục nghề nhưng chọn tiếp tục khởi nghiệp với hoa theo lời khuyên của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Phó Thủ tướng nhắn nhủ với ông rằng, nên tạo công ăn việc làm cho nông dân mất đất khi phát triển công nghiệp và giới thiệu cho ông một vị tiến sĩ, người được cử đi Đài Loan (Trung Quốc) học về hoa. Thời đầu, ông trồng rất nhiều loại hoa, có thời điểm lên tới 4ha đất trồng hoa hồng được đầu tư bài bản từ nhà kính, mời chuyên gia…nhưng hoa của ông làm ra giá thành không cạnh tranh nổi với thị trường.
Biết rút ra bài học từ thất bại, ông nhận thấy đầu tư sản xuất khi chưa làm chủ công nghệ sẽ không mang lại thành công. Trong những lần đi công tác nước ngoài, ông đã bị “mê đắm” bởi vẻ đẹp “sang chảnh” của Lan Hồ điệp. Vì vậy, với bộ óc nhạy bén nắm bắt thị trường của một doanh nhân, ông đã tìm cho mình một hướng đi riêng với ngành hoa khi chuyển từ đầu tư sang thương mại. Tết năm 2004-2005, ông đã quyết định nhập 3 vạn cây Lan Hồ điệp về bán. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, lan do ông nhập về đã bán hết và trở thành một xu hướng chơi hoa Tết mới của người Hà thành.
Trong suốt thời gian hơn 20 năm, thành công hay thất bại với nghề hoa, doanh nhân Nguyễn Văn Kính chia sẻ rằng đều xem đó là một bài học, góp thêm chút kinh nghiệm. Cũng trong quãng thời gian ấy, lời nhắn nhủ năm nào của Phó Thủ tướng vẫn như in đậm sâu trong tâm trí doanh nhân Nguyễn Văn Kính. Để rồi, như để thực hiện lời đáp, đầu năm 2015, nhận thấy tiềm năng rất lớn từ Lan Hồ điệp, ông quyết định đầu tư tổ hợp sản xuất hoa lan theo hướng công nghệ cao với cái tên Toàn Cầu ngay chính trên những cánh đồng Đan Phượng như một khát vọng sẽ đưa hoa lan mang thương hiệu Việt Nam đi “tô điểm” khắp năm châu.
Không chỉ có vậy, từ khi bước chân đến với nghề hoa, doanh nhân Nguyễn Văn Kính đã luôn có lời tự nhủ làm để “trả nghĩa” với đất, với nông dân. Vì vậy Công ty Toàn Cầu luôn hành động theo phương châm “không cạnh tranh với nông dân” mà ‘cùng nhà nông làm giàu”, biến hoa Lan Hồ điệp trở hành cây trồng chủ lực, tăng hiệu quả sử dụng, biến đất “nở hoa” mang lại ấm no như không phụ lòng đất, tri ân con người. Công ty Toàn Cầu dự kiến sau 5 năm sản xuất sẽ cung cấp 10 triệu cây giống và cam kết chuyển giao kỹ thuật để người nông dân có thể mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào trồng rộng rãi tạo hướng đi mới cho sinh kế bền vững của ngành nông nghiệp.
“Đây là mô hình thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng cho bà con nông dân, một đầu tàu của ngành nông nghiệp, cho thấy đầu tư lớn sẽ an toàn tuyệt đối, 1ha làm hoa có thể lãi gấp nhiều chục lần làm lúa. Tôi muốn đây người nông dân của Việt Nam phải giàu lên và đây sẽ là nơi giới thiệu cho nông dân Việt Nam hiểu thế nào là nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, người nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng và làm chủ được công nghệ để làm giàu ”- doanh nhân Nguyễn Văn Kính chia sẻ.
Không chỉ có nông dân, doanh nhân Nguyễn Văn Kính còn muốn tạo sợi dây liên kết với các doanh nghiệp góp phần hình thành các tổ hợp sản xuất quy mô lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con nông dân. Biến những người nông dân thành doanh nhân, biến nông thôn thành doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty Toàn Cầu đã đầu tư xây dựng một siêu thị hoa rộng 6.500 m2 mang những nét kiến trúc độc đáo giao thoa giữa Việt Nam và thế giới với mục đích giới thiệu và quảng bá không chỉ hoa lan mà còn là các sản phẩm đặc trưng của nông nghiệp Việt, biến nơi đây sẽ trở thành điểm giao lưu, gặp gỡ, tạo ra mối liên kết giữa “các nhà”. Từ những việc làm này, doanh nhân Nguyễn Văn Kính luôn ấp ủ một khát vọng cống hiến muốn thúc đẩy, khẳng định vị thế của nền nông nghiệp, đặc biệt sẽ góp phần hoàn thành hiện thực trong vòng 5 năm tới, sẽ “điền tên” Việt Nam trên bản đồ hoa lan thế giới.