Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022
Đời sống - Ngày đăng : 09:32, 31/01/2022
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định 111/2021/NĐ-CP ban hành ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Trong đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.
Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.
Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Nghị định 131/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công.
Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
Theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.
Cũng theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Nghị định 134/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên đảm bảo toàn diện, chính xác
Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.
Thông tư nêu rõ yêu cầu đánh giá là bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học viên; không so sánh học viên với nhau.
Hình thức đánh giá gồm có đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022 và thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6
- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và lớp 10
- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 8 và lớp 11
- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
Quy định mới về cấp, đổi thẻ nhà báo
Thông tư số 31/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022, thay thế Thông tư số 49/2016/TT-BTTTT.
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư số 31/2021/TT-BTTTT là quy định về việc người đề nghị cấp thẻ nhà báo kê khai Số định danh cá nhân (Mẫu số 01), thay vì phải kê khai một số trường thông tin (quê quán; nơi ở hiện nay; số giấy chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tạm thời vẫn phải kê khai thông tin về ngày sinh, dân tộc (để phục vụ việc in thẻ và xác định điều kiện của người được cấp thẻ là người dân tộc) do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thành, chưa được chia sẻ.
Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục
Theo Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ 14/2/2022, các vị trí công tác về tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… thực hiện định kỳ chuyển đổi từ 03 năm đến 05 năm.
4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi
Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hiệu lực từ ngày 2/2/2022..
Thông tư quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm: Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn; Chuyển mục đích sử dụng; Tái xuất; Tiêu hủy.