Xuân Muộn

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 22:00, 30/01/2022

Mùa xuân trên đỉnh Cô Phàn mang một vẻ đẹp riêng đầy khắc khoải. Khi cái lạnh tràn về mang theo làn sương giăng giăng khoác lên sườn núi tấm lụa ảo mờ lồ lộ đường cong uốn lượn những thửa bậc thang càng khiến cho người ta thêm luyến lưu, hoài bão.

Bản Cháng Lừ nằm tận trên đỉnh núi cao nhất, để đến được phải leo qua ba ngọn núi. Nó như một thử thách cho mỗi ai muốn đến hay đi. Mất nửa ngày từ sáng sớm đến gần đứng bóng, Hồng leo được tới nơi, chưa kịp chào trưởng bản vì còn phải thở thì ông đã nói: “Hoan hô cô giáo! Ai vượt được qua ba ngọn núi kia để đến đây, là coi như là anh em, là con của bản này rồi!” Chả biết đúng vậy không, Hồng cười nhăn nhở vì mệt.

Gặp lũ trẻ, trông đứa nào cũng nhem nhuốc, nhếch nhác đến đáng thương, Hồng có cảm giác ái ngại. Dù đã được nghe kể về sự thiếu thốn, heo hút buồn tẻ ở đây, dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng cô vẫn thấy quá sức tưởng tượng của mình. Nếu không vì một chút yêu nghề, một chút thương bọn trẻ và một phần quan trọng của lý do cá nhân muốn lên đây như để trốn chạy thì cô đã bỏ về. Hay do cô là người thành phố, quen sống với sự náo nhiệt và tiện nghi nên cảm thấy thế. Cô thấy thầm cảm phục những người dân đang sống ở đây, họ quả là những người giỏi biết chịu đựng. Điều đó khiến cô thấy mình cần cố gắng thực sự, phải chấp nhận thực sự thì mới có thể trụ lại trên mảnh đất này.

Hồng đặc biệt chú ý đến những người già, họ là những người khiến cô cảm phục nhất. Những người còn sức khỏe thì cùng con cháu lên nương hay làm việc vặt ở nhà. Người yếu hơn thì ngồi bên bếp lửa, chỉ mỗi một việc giữ cho bếp lửa không bị tắt. Hồng nghĩ như thế thật lãng phí, khi họ luôn luôn để bếp lửa cháy, dù chẳng để nấu gì.

Với bọn trẻ, dù có phải vượt qua ba ngọn núi đầy cực nhọc nhưng khi lớn lên một chút chúng đều rất thích theo mẹ xuống các phiên chợ, chúng cũng phải vượt qua ba ngọn núi, phải dậy từ lúc gà chưa gáy cho kịp. Càng lớn lên thì chúng lại càng thích xuống núi. Nhiều đứa vượt qua hết các phiên chợ thời thơ ấu, tới được trường nội trú, tới được thành phố để tìm cái chữ. Chả biết chúng mải tìm cái chữ quá hay sao mà nhiều đứa quên cả đường về bản? Hay chúng sợ phải leo trở lại qua ba ngọn núi? Bởi dường như khi xuống núi bao giờ cũng thích thú hơn lúc trở lại. Nên nhiều thanh niên dù không đi học, không tìm cái chữ cũng bỏ bản mà đi tìm những cái mới, cái lạ.

dao1.jpg

Căn phòng dành cho cô giáo được dân bản dựng ở gần điểm trường chỉ toàn bằng gỗ, từ tường đến mái. Loại gỗ pơmu đã làm nên hầu hết những ngôi nhà ở đây từ xưa, tạo nên vẻ thâm trầm đặc trưng bởi màu nâu đen mê hoặc. Đó có thể coi là một ưu ái đối với cô giáo vì bây giờ kiếm gỗ rất khó. Nhiều nhà dân ở đây khi làm nhà mới đã phải lợp bằng những tấm broximang. Cô đã thấy, để mang được chúng lên đây, họ phải đeo từng tấm một lên lưng rồi cứ lầm lũi mà leo, vừa leo vừa nghỉ, dần dần qua ba ngọn núi ấy. Hôm mới lên, cô gặp một thanh niên khoảng ngoài 30 tuổi đang sửa sang, hoàn thiện nốt cái máng nước nhà bếp và khu vệ sinh. Đó là A Rú, anh bị tật ở chân và một mắt dường như bị hỏng nhưng khuôn mặt vẫn toát lên vẻ tinh anh và trầm mặc. Có lẽ vì thế mà cái nhìn của anh khiến cô giáo bối rối nên hai người chỉ chào hỏi nhau mấy câu rồi anh chào về để cho cô nghỉ.

Ngày trước A Rú rất đẹp trai và khỏe mạnh. Có nhiều gái bản mê Rú lắm. Nhưng Rú chỉ ưng mỗi Mai thôi. Mọi người vẫn bảo tình yêu của Rú và Mai đẹp lắm. Nhiều trai bản phải ghen tị với tình yêu của hai người. Ngày Mai ở trường nội trú, Mai rất chăm chỉ về bản, dù mỗi lần về là rất vất vả. Có lần về gặp trời mưa, Mai bị trượt ngã. May mà hôm đó Rú đi săn về thì thấy Mai mắc ở một chạc cây, nếu không Mai đã bị rơi xuống khe núi. Sau một hồi vất vả, Rú đưa được Mai lên. Có lẽ hai người yêu nhau từ hồi đó?

Vốn là người đi săn, đặt bẫy rất giỏi nên dù cái chân đi tập tễnh và cái mắt bị hỏng một bên nhưng việc đi săn của Rú cũng chẳng kém những thợ săn cừ khôi là bao. Rú hay đi săn, được cái gì cũng chế biến cẩn thận rồi dành phần cho cô giáo. Lúc thì con chim, lúc con thỏ, khi lại thịt chồn. Thường thì anh ra đưa cho Hồng rồi về luôn, chỉ nói những câu cần thiết. Rú làm vậy để cô giáo không ngại và không thấy khổ quá mà bỏ về xuôi, bọn trẻ sẽ không có ai dạy chữ. Mãi từ hôm cô giáo gọi Rú lại nói chuyện, dần dần anh mới cởi mở hơn. Khi đã thân thiết hơn rồi, thỉnh thoảng cũng có hôm đi săn về anh đem luôn con thú săn được vào chỗ cô giáo để nấu rồi hai người ăn cùng nhau. Rú hay kể chuyện cho cô giáo đủ thứ trên bản, trong rừng, rồi cả chuyện yêu Mai nữa...

Rú bảo Mai xinh lắm! Mai đẹp như ánh trăng trên đỉnh núi phía rừng, vừa lung linh, vừa huyền ảo và cũng đầy mê hoặc. Ai đó yêu trăng, thích ngắm trăng đến mấy thì cũng không thể nào tìm hết được vẻ đẹp đầy bí ẩn của trăng. Trăng có thể che đi những khiếm khuyết, tôn cho nhiều thứ bình thường trở nên đẹp đẽ. Dường như dưới trăng, cái gì cũng đẹp hơn. Ngay cả những con thú rừng, dù có hung dữ, cũng đầy vẻ đáng yêu hơn dưới ánh trăng. Vẻ đẹp của Mai khiến cho cả bản thêm phần tươi vui rạng rỡ. Nhiều thanh niên bản đều như bị mê hoặc và muốn có được vẻ đẹp thanh khiết ấy cúa Mai. Họ thi nhau trổ tài, tìm mọi cách để có thể chinh phục được Mai. Rồi có kẻ trong làng vì không có được tình cảm của Mai nên đã bắt cóc Mai vào rừng. Rú yêu Mai! Rú phải đi tìm Mai thôi. Rừng rậm mênh mông, biết tìm Mai ở đâu? Kẻ bắt cóc Mai là thằng Dút con thầy Mo. Thằng này từ bé ham chơi, chả chịu học hành mà cũng chả biết đi săn. Từ nhỏ nó chỉ biết theo người ta vào rừng để chơi và nghịch phá những cái bẫy của người khác. Nếu để nó vào rừng một mình chắc cũng sẽ bị lạc, không thì cũng chẳng kiếm nổi cái nấm mà ăn. Vậy mà nó dám bắt cóc Mai vào rừng, nguy hiểm quá. Mai cũng sẽ gặp nguy với nó. Bố Mai bảo, nếu ai tìm thấy sẽ gả luôn con gái cho. Đây là dịp để các trai bản trổ tài và sẵn sàng lên đường.

Rừng gần như là ngôi nhà thứ hai của A Rú. Vì vậy A Rú rất thông thạo địa hình. Chỉ một vết mới đi qua là anh biết. Cuối cùng A Rú tìm được Mai bị trói trong một hốc đá. Chắc thằng Dút trói Mai để đi tìm cái ăn. Rú vội cởi trói cho Mai. Thằng Dút kể cũng tài, khi mà không biết nó cõng hay là bắt Mai leo lên được tới gần đỉnh ngọn núi hiểm trở này? Thấy Mai là mừng lắm rồi, Rú chẳng thèm quan tâm đến điều đó. Hai người phấn khởi xuống núi. Được một đoạn, bỗng từ một lùm cây, thằng Dút lao ra bất ngờ đâm thẳng vào Rú khiến Rú không kịp phản ứng, bị lăn xuống núi. Mai hốt hoảng chạy theo xuống chỗ Rú. Còn thằng Dút chạy biến mất luôn.

Rú may mắn không chết, nhưng sau bị chột mắt và chân phải đi tập tễnh. Dù vậy, Rú cũng không vì lời hứa gả kia mà khiến Mai bị gượng ép. Rú để tự nhiên, cho Mai đi học đã. Và nếu Mai không yêu nữa thì Rú cũng chấp nhận. Rú bị tật nên chẳng muốn làm khổ Mai, càng không muốn đem cái công ấy ra để Mai phải khó xử. Hơn nữa nhà Rú rất nghèo. Vì nghèo mà Rú phải chấp nhận nói mình không may trượt chân ngã để được xóa món nợ cho bố mẹ với nhà thầy Mo, để thằng Dút nó thoát tội. Rú bức xúc cũng chẳng thể làm gì được. Ở đây có ai là không sợ thầy Mo? Vì lão biết làm bùa chú, phép thuật lại giàu có nên muốn gì là được.

Năm đầu đi học Mai vẫn thường xuyên về. Nhưng sau đó thì ít dần. Rú nghĩ chắc Mai bận học. Từng ngày, Rú ra mỏm đá phía cuối bản nhìn xuống đồng bằng, nhìn về con đường ngoằn ngoèo lượn từ đỉnh núi xuống như một con trăn để tìm bóng dáng của Mai. Nhưng dường như con trăn duyên dáng kia đã khiến Mai sợ về với bản rồi. Mai bặt tin đã mấy năm. Từ khi Mai không về, trông Rú lúc nào cũng buồn, cũng không yêu ai nữa. Nhiều lần A Rú đã định đi tìm Mai, nhưng lại nghĩ chắc Mai chê mình rồi, có thấy cũng vô ích. Bao nhiêu tin đồn về Mai. Có người bảo Mai được đại gia ở xuôi mang về làm vợ rồi. Người thì nói Mai bị bọn người xấu bắt vào nhà hàng, lại có người bảo Mai bị bán sang Trung Quốc. Mỗi một tin đồn đều khiến Rú đau nhói. Rú không tin, không muốn tin. Nhưng dù có tin hay không thì vẫn có một sự thật là Mai không về, không tin tức.

Sao Rú không đi tìm Mai?

Câu hỏi đó không phải chỉ riêng của cô giáo. Rú luôn nhận được câu hỏi đó từ mọi người, và dồn dập cả từ trong chính trái tim. Rú rất muốn đi tìm Mai. Nhưng tìm ở đâu đây? Thân thể Rú tàn tật thế! Cuối cùng Rú cũng quyết tâm tìm Mai. Nếu như Rú đã phải khó khăn băng qua ba ngọn núi ấy, thì khi xuống xuôi, Rú không biết mình đã trải qua bao nhiêu vất vả, hỏi không biết bao nhiêu chỗ, khó khăn còn hơn cả việc trở về qua ba ngọn núi ấy. Không biết Rú có tìm được Mai không? Chỉ biết, Rú lại một mình vượt qua ba ngọn núi, trở về bản một cách uể oải, mệt mỏi. Chỉ thấy đôi mắt anh có phần khác xưa với nét u uẩn, đượm buồn.

Rú kể với cô giáo rằng đã nhìn thấy Mai. Nhưng lại bảo người đó chỉ giống thôi chứ đó không phải là Mai. Mai chả bảo giờ lại ăn mặc hở hang đến thế, tóc Mai chả thể đổi màu nhanh đến thế? Rồi Rú lại bảo đã hỏi thăm biết được chỗ ở, nhưng khi đến nơi thì người ra gặp lại không phải là Mai. Ngày xưa rừng rậm là thế mà còn tìm được Mai. Vậy mà bây giờ biết Mai ở chố ấy, chỗ nọ rồi mà vẫn không thấy. Chẳng biết Mai đã lẫn vào đâu giữa bao nhiêu người đấy?

Rú bảo ở thành phố rất nhiều cái hay. Nhiều người mơ ước được ở đó, sao cô giáo lại lên đây? Cô giáo cười, đầy vẻ gượng gạo. Đôi mắt cô tránh cái nhìn của Rú, hướng về phía chân núi. Những ruộng bậc thang xếp tầng giống như những đường xoáy, hun hút phía vực núi. Cô giáo không biết phải kể cho anh Rú cái gì bây giờ?

Từ ngày đi tìm Mai không được, Rú về chỉ chăm chú vào việc xẻ từng sườn núi để bổ sung vào hệ thống ruộng bậc thang của gia đình cũng như của bản. Thỉnh thoảng Rú đi săn, dù bây giờ thú rừng cũng hiếm bởi rừng không còn rậm rạm và nhiều như xưa. Lạ một điều, đã mấy năm rồi mà Rú vẫn không lấy vợ, cũng không thấy yêu ai. Từ khi có cô giáo lên, Rú rất quan tâm và luôn dành cho cô những thứ ngon. Người trong bản bảo A Rú phải lòng cô giáo rồi. Nhưng chắc cô giáo không ưng đâu. A Rú tàn tật thế!?

Không biết tình cảm của hai người như thế nào. Chỉ biết một điều là hàng ngày, Rú vẫn đến chỗ Hồng. Những lúc được nghỉ, cô thường ra phía tảng đá dưới cây đào sau nhà ngồi nhìn về phía chân núi như vọng tưởng tới quê hương. Những khúc ruộng bậc thang xếp tầng trùng điệp càng như ngăn cô với miền xuôi xa xôi. Nhiều lần gặp Hồng đăm chiêu, Rú hỏi:

  • Cô giáo nhớ nhà à?
  • Vâng. À, không. Em đang nghĩ về sự phi thường của con người khi làm nên những ruộng bậc thang vĩ đại này.
  • Vâng. Đó có thể coi là sứ mệnh của cha ông chúng tôi, và cả của thế hệ chúng tôi với nhiệm vụ chinh phục thiên nhiên. Nhưng tiếc là bây giờ nhiều trai bản đã muốn xuống núi hơn là ở lại trên những ruộng bậc thang này. Bước chân của họ thích đi đường bằng hơn là leo những bậc thang đầy khó nhọc.
  • Vì họ không chịu được vất vả, phải không anh?
  • Có lẽ họ không chịu đươc sự hẻo lánh buồn tẻ hơn. Họ muốn đi tìm sự ồn ào, náo nhiệt hơn là chỉ quẩn quanh với những mùa nương chênh vênh giữa núi. Chỉ sợ là rồi cô giáo cũng sẽ không chịu được sự buồn tẻ này thôi?

Cô giáo im lặng nhìn ra những dải lụa trắng lấp lánh dưới nắng chiều của ruộng bậc thang đang mùa nước đổ. Hồng thú nhận lên đây để trốn chạy sự giả dối, độc ác, bon chen khiến Rú đầy ngạc nhiên. Nghĩa là ý thích lên đây chỉ là sự ngụy biện. Khi hiểu rõ, Rú rất thông cảm và vẫn yêu cô giáo. Rú chỉ sợ cô giáo không quên được quá khứ, không chịu được cái khổ cực ở đây thôi.

Nghỉ hè, Hồng về quê. Rú đưa cô xuống tận chân núi. Cả quãng đường qua ba ngọn núi mà hai người chỉ nói với nhau vài lời. Dường như cả hai đều ngượng ngịu với những điều mình muốn nói ra. Liệu cô giáo có lên nữa không? Có lẽ cô đã chán mảnh đất này rồi? Có nên nói với Hồng về tình cảm của mình không? Hay Hồng đã biết được tình cảm của mình mà lại chạy trốn, bởi cô không muốn gắn bó với mảnh đất này? Vậy thì mình có nói ra cũng vô ích. Trong đầu A Rú có biết bao câu hỏi, bao điều muốn nói mà không thể cất lời. Về phần Hồng, cô đã biết tình cảm của Rú dành cho mình, nhưng dường như cô cũng đang muốn lảng tránh. Bởi cô không chắc chắn mình có trở lại nữa không? Hơn nữa khi về nhà, chắc chắn bố mẹ sẽ không để cô chạy trốn nữa. Thỉnh thoảng hai người bắt gặp cái nhìn của nhau đầy ngượng ngùng. Con đường dốc ngoằn ngoèo bên các ruộng bậc thang càng như khiến tâm trạng họ thêm bối rối. Lúc chia tay, Rú cầm tay Hồng và nói:

  • Hồng về mạnh khỏe và may mắn nhé, và … nhớ là các học sinh luôn chờ cô giáo đấy, và…và cả tôi cũng mong chờ Hồng trở lại đấy! - Cả hai cùng nhìn nhau, không giấu nổi sự ngượng ngịu.

Sau khi Hồng về quê, A Rú luôn nghĩ đến cô, đến những gì cô đã kể. “Nếu không có tình yêu thực sự thì chúng ta sẽ luôn phải lẩn trốn ngay cả chính mình, để mà sống!” Rú vẫn nhớ câu nói ấy của cô. Lẽ nào Hồng lại chạy trốn? Anh thường ra chỗ tảng đá dưới cây đào mà Hồng vẫn ngồi. Dường như anh và hòn đá đã tạo nên một cặp suy tư trầm măc, im ắng và cô liêu. Khói sương mờ ảo mỗi chiều ở xa xa những cái chòi khiến Rú cảm thấy càng man mác, bâng khuâng.

Anh Rú! Anh Rú ơi!

Tiếng gọi bất ngờ khiến Rú thót tim.

“Cô Giáo!? Mai!??”

Đó là những ý nghĩ xuất hiện ngay trong đầu mỗi khi có ai đó gọi Rú. Sau những lần ngoảnh đầu lại mà không phải người mình mong ngóng, anh thường không quay lại ngay. Dường như anh muốn được nghe những tiếng gọi ấy, để mà xác thực, để mà tưởng tượng rằng đó là Mai hay đó là cô giáo. Dù lần nào cũng làm anh thót tim đến nhói ngực. Rú ngước nhìn những nụ đào đang he hé. Thật lạ là cây đào này năm nào cũng nở rất muộn. Đó cũng là lý do nó còn lại đến bây giờ. Vì nếu nở đúng mùa, chắc chắn nó đã bị chặt hoặc bứng gốc chuyển về xuôi lâu rồi! Nhìn con đường xuống núi ẩn hiện sau làn sương lượn sóng làm dâng lên niềm khát khao trong A Rú. Hồ như anh thấy bóng dáng cô giáo Hồng thấp thoáng phía con đường lên núi vẫn kéo dài cùng mùa xuân nơi đây.

Hoàng Kim