Mỹ đối mặt với cuộc khủng khoảng chip máy tính lớn chưa từng có
Đời sống - Ngày đăng : 08:45, 28/01/2022
Đứng trước tình trạng khan hiếm trầm trọng thiết bị bán dẫn kéo dài từ năm ngoái cho đến nay, nước Mỹ đã đưa ra nhiều kế hoạch, nhằm đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp bán dẫn - ngành được coi là đóng vai trò quan trọng giúp quốc gia này tự chủ về công nghiệp.
Với độ ứng dụng rộng rãi trong tất cả các ngành công nghệ cao, doanh thu ngành bán dẫn đã đạt hơn 400 tỷ USD trong năm 2020, tăng 6,5% so với năm 2019 bất chấp sự xuất hiện của dịch COVID-19, khiến các hoạt động kinh tế toàn cầu sụt giảm.
"Nhiều người chắc hẳn sẽ tự hỏi tại sao cứ phải làm quá lên như vậy trong việc thúc đẩy sản xuất Thứ mà có kích thước còn bé hơn cả 1 chiếc tem? Bởi vì chất bán dẫn hay hiểu đơn giản là chip máy tính cung cấp năng lượng cho tất cả mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Mỹ là nước đã sáng chế ra con chip này, và bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu để tạo ra nó. Thế nhưng, giờ các doanh nghiệp sản xuất của Mỹ còn không có đủ chip để dùng. Chỉ riêng 3 công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), Samsung của Hàn Quốc và SMIC của Trung Quốc đã chi phối 4/5 thị trường chip thế giới.
Kết quả khảo sát của Bộ thương mại Mỹ với 150 doanh nghiệp sản xuất và sử dụng chất bán dẫn cho thấy nguồn cung chip trung bình do các nhà sản xuất nắm giữ đã giảm xuống còn dưới 5 ngày, từ con số 40 ngày trong năm 2019. Điều này có thể dẫn đến đóng cửa nhà máy, và giảm lương công nhân ở Mỹ.
Trước đó, Bộ trưởng thương mại Mỹ đã từng cảnh báo tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn khó có thể biến mất cho đến cuối năm 2022. Điểm nghẽn lớn nhất trong chuỗi cung ứng chip là công suất tại các nhà máy chế tạo chất bán dẫn.
Một số nhà sản xuất chip đã phải hành động. Mới nhất, Intel đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 20 tỷ USD để xây dựng 1 khu phức hợp sản xuất chip tại bang Ohio.
Theo Tổng thống Joe Biden, khoản đầu từ tại bang Ohio là một trong những khoản đầu tư độc lập trong lĩnh vực tư nhân vào chuỗi bán dẫn lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử Mỹ. Chỉ riêng dự án này sẽ tạo ra 7.000 công việc liên quan tới xây dựng,và 3.000 việc làm lâu dài trong khu vực.
Tổng thống Joe Biden muốn tận dụng động thái này của Intel để thúc đẩy dự luật trị giá 52 tỷ USD, đang chờ Hạ viện phê duyệt, đầu tư vào lĩnh vực chip và giúp đảm bảo gia tăng hoạt động sản xuất ở Mỹ.
Đề xuất này được kỳ vọng sẽ giúp giành lại việc làm trong ngành công nghiệp Mỹ và tháo gỡ những hạn chế trong chuỗi tiêu thụ, bao gồm cả chất bán dẫn.