Thủ tướng dự lễ khánh thành cầu Tình Yêu và đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả
Chính trị - Ngày đăng : 10:39, 26/01/2022
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực.
Cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu) nằm trong hệ thống các cầu bắc qua vịnh Cửa Lục. Cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn có tổng chiều dài toàn tuyến 4.265 m, là cầu 6 làn xe đầu tiên của Quảng Ninh, tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có tổng chiều dài 18,7 km, thiết kế 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Đây là các công trình do tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tập đoàn Đèo Cả là đại diện liên danh nhà thầu.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh gồm Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài gần 200 km. Dự án gồm 2 dự án thành phần: Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo phương thức PPP, hợp đồng BOT có tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng (trong đó, vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh Quảng Ninh xây dựng các công trình phụ trợ là 490 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 8.623 tỷ đồng).
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng nêu rõ 8 ý nghĩa quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh. Theo đó, góp phần thực hiện và chứng minh sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối rất lớn của Đảng về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông.
Thứ hai, phát triển hạ tầng giao thông để góp phần phát triển nhanh, bền vững, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Quảng Ninh đã phát triển chuyển từ nâu sang xanh. Đây cũng là xu thế chung của thế giới.
Thứ ba, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, các nghị quyết Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp lại các đơn vị hành chính để tạo không gian phát triển mới. Trong đó, Quảng Ninh đã sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.
Thứ tư, thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh theo hướng "Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá". Quy hoạch này đã được thực tế chứng minh là đúng và đang dần được hiện thực hóa, gắn kết chặt chẽ với cả vùng, tạo sự phát triển rất nhanh, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành các cực tăng trưởng mới.
Thứ năm, các dự án hạ tầng giao thông giúp đẩy mạnh kết nối vùng, liên kết Quảng Ninh với các địa phương vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh triển khai tuyến đường ven biển để kết nối suốt từ Thanh Hóa tới Móng Cái, Quảng Ninh, tạo động lực phát triển mới cho khu vực.
Thứ sáu, khi hệ thống hạ tầng giao thông, điện… được hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. "Tại sao ta giải phóng mặt bằng nhanh, như giải phóng mặt bằng cho sân bay Vân Đồn chỉ có mấy tháng? Tại sao chúng ta sáp nhập Hạ Long và Hoành Bồ nhanh như vậy? Bởi các dự án của chúng ta là dự án của lòng dân, mang lại ý nghĩa cho họ, nên người dân đồng tình, ủng hộ, vào cuộc", Thủ tướng phân tích.
Thứ bảy, các dự án chứng minh tinh thần tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Đồng thời chứng minh bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, thống nhất của lãnh đạo địa phương.
Thứ tám, chứng minh việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa địa phương và Trung ương; sự phối hợp giữa địa phương và các nhà thầu như Đèo Cả cũng rất quan trọng.
"Đột phá này là nhờ sự ưu việt của hệ thống chính trị của chúng ta, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta phải thấy ý nghĩa to lớn như vậy để chúng ta tiếp tục làm các công trình khác. Những việc chúng ta đã làm được là khó khăn hơn những việc sắp làm, mong các đồng chí tiếp tục làm những công trình có tầm vóc lớn hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh phát huy các kết quả đã đạt được, tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đã và đang triển khai (Cầu Cửa Lục 3; Hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh; tuyến đường ven sông nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; đường dẫn cầu Bến Rừng phía tỉnh Quảng Ninh ... để đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình, đưa vào sử dụng, sớm phát huy hiệu quả đầu tư; tạo động lực thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ, du lịch.
Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình triển khai thực hiện có các vướng mắc, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù và thực tiễn, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, báo cáo các bộ, ngành trung ương có liên quan để xem xét, đề xuất báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết, nhằm mục tiêu đưa Quảng Ninh phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine theo phát động của Thủ tướng Chính phủ về chiến dịch tiêm chủng mùa xuân; chuẩn bị thuốc đặc trị COVID-19; tiếp tục đề cao ý thức người dân; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Trung ương, đồng thời linh hoạt nhất có thể, phù hợp tình hình cụ thể từng địa phương theo phạm vi hẹp nhất.
Cầu Tình Yêu được khởi công từ ngày 28/4/2020 được thiết kế 6 làn xe, chiều dài toàn tuyến 4.265m. Trong đó, cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông rộng 33,1m, dài 290m, tĩnh không thông thuyền 40x7m; phần cầu dẫn dài 565m, đường dẫn dài 3.380m, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng.
Trước đó, dự án được gọi là cầu Cửa Lục 1, tuy nhiên TP Hạ Long đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc đặt tên cho cây cầu với 3 phương án gồm: Tình Yêu, Cửa Lục 1, Lê Lợi. Sau khi kết thúc việc lấy ý kiến, tên cầu Tình Yêu được ủng hộ nhiều nhất với 39%.
Tuyến đường bao biển dọc tỉnh không chỉ kết nối 2 thành phố trung tâm của tỉnh là Hạ Long - Cẩm Phả, mà còn kết nối 2 di sản Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, an toàn cho nhân dân. Đồng thời, góp phần khai thác hợp lý các tiềm năng về đất đai trong khu vực tuyến đi qua, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, hình thành nhiều cảng bến và khu đô thị dọc theo tuyến.