Thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng tinh vi và phức tạp

Đời sống - Ngày đăng : 13:38, 24/01/2022

Thời gian gần đây, nhiều chiêu trò lừa đảo ngày càng được biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi hơn và xuất hiện tràn lan trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook.

Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng với nhiều chiêu thức, thủ đoạn cũ và mới khác nhau. Các đối tượng tội phạm lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu thông tin kiểm chứng của bị hại để nhằm mục đích lừa đảo, lấy mã OTP của tài khoản thực hiện việc chiếm đoạt tiền.

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống, trong bối cảnh dịch, các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân; nhiều vụ có số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.

Các thủ đoạn điển hình như: Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.

dao.jpg
Lừa đảo trên không gian mạng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp.

Ngoài ra các đối tượng còn giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại, từ đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại, chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.

Chiếm quyền quản trị (hack) hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử”.

Đây là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option)... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.

Hay phương thức khác, các đối tượng lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, nhất là mua bán các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế trong thời điểm dịch covid-19 đang diễn ra... để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua.

Bán hàng hoặc giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vaccine, cung ứng vật tư phòng, chống dịch covid-19 yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt.

Hoặc thủ đoạn đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được.

Một trong những chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện gần đây của tội phạm công nghệ đó là chiếm đoạt quyền kiểm soát sim của chủ thuê bao di động để lấy mã OTP từ ngân hàng. Sau đó thực hiện hành vi chuyển, rút tiền hoặc vay tiền online.

Thủ đoạn chung là mạo danh nhân viên nhà mạng, gọi điện thoại giới thiệu đang có chương trình “hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G", hoặc đổi sim để nhận ưu đãi và hối thúc nạn nhân nâng cấp lên sim 4G nếu không sẽ không thể sử dụng.

Đối tượng sẽ hướng dẫn chủ sim số điện thoại soạn tin theo cú pháp. Sau khi thực hiện thao tác soạn và gửi tin nhắn, ngay lập tức sim số điện thoại đã bị đánh cắp.

Sau khi chiếm quyền kiểm soát sim của người dùng, kẻ gian dùng chính sim đó lấy mã OTP từ ngân hàng gửi về sử dụng các dịch vụ tín dụng, vay tiền online… dưới danh nghĩa nạn nhân.

Theo khuyến cáo của Vinaphone và MobiFone, người dùng cần cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ với các nội dung, như đề nghị hỗ trợ thay sim, nâng cấp sim hoặc thông báo trúng thưởng.

Khi gặp các hiện tượng bất thường, như mất tín hiệu, bị vô hiệu hóa số điện thoại không rõ nguyên nhân, nhiều số điện thoại lạ gọi vào máy trong cùng một khoảng thời gian, người dùng nên liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, người dùng không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.

Các chuyên gia về an ninh mạng cũng cho rằng, hiện nay số lượng người sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... ở nước ta rất lớn.

Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác.

dao2.jpg
Tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng với nhiều chiêu thức, thủ đoạn cũ và mới khác nhau.

Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, Email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.

Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết...

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.


Minh Anh