Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong triển khai Toà án điện tử

Tòa án - Ngày đăng : 07:10, 21/01/2022

Chiều 18/01, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc thực hiện Đề án được xác định là một trong những nội dung quan trọng, có tính đột phá của Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị, sau khi kết thúc trình chiếu video clip về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, các đại biểu đã trình bày báo cáo tham luận về việc triển khai và xây dựng Đề án. Thay mặt TANDTC, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ trình bày tham luận với nội dung “Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử vào công tác của hệ thống TAND, nhất là phục vụ công tác xét xử trực tuyến và triển khai Toà án điện tử”.

Theo đó, TAND xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, đó là: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện…”, “Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, ….” và “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”.

Bên cạnh đó, các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử như cho phép gửi, nhận đơn và tống đạt văn bản tố tụng bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2, trên cơ sở đề nghị của TANDTC Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết số 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là các quy định nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án và tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam.

Để thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, trong thời gian qua TANDTC đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu quả quản trị Tòa án; phục vụ người dân tốt hơn, điển hình như đưa vào sử dụng: Dịch vụ công nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và nhận các văn bản thông báo tố tụng; Đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng băng phương tiện điện tử; Nộp tạm ứng án phí trực tuyến; Đăng ký cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; Phần mềm quản lý án; Nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung cho các TAND để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội khóa 15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Phó Chánh Nguyễn Trí Tuệ cũng nêu ra một số khó khăn, bất cập trong việc xây dựng Tòa án điện tử. Việc thao tác, cập nhật nhiều thông tin trên dịch vụ công nộp đơn khởi kiện trực tuyến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, gây hạn chế lựa chọn hình thức giao dịch điện tử với Toà án. Ngoài ra, các thông tin này khi người dân tự khai báo trên các dịch vụ công khó bảo đảm chính xác nên Tòa án phải dành thêm thời gian để xác thực, đối chiếu thông tin khi tiếp nhận và giải quyết đơn khởi kiện.

Việc xác định và định danh thông tin đối với người tham gia phiên toà trực tuyến hiện nay còn có những bất cập do phương thức định danh và xác thực đang thực hiện thủ công, chưa có sự hỗ trợ điện tử từ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin do chưa có sự kết nối thông tin giữa các ứng dụng nghiệp vụ của Toà án và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế khiến cho số lượng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án giảm xuống nhưng vẫn phải đảm bảo việc cập nhật một số lượng hồ sơ, đơn khởi kiện của các loại vụ, việc nộp tại TAND các cấp đang tăng lên hàng năm để triển khai phần mềm quản lý án điện tử. Do vậy làm giảm thời gian nghiên cứu, giải quyết, xét xử các vụ, việc của cán bộ, công chức Toà án; dễ ảnh hưởng không tốt tới chất lượng xét xử tại Toà án.

Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ trình bày tham luận tại Hội nghị

Với việc kết nối và đưa vào sử dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử tại TAND sẽ giải quyết được những khó khăn, bất cập nêu trên và phát huy hiệu quả hơn nữa những lợi ích vốn có của cơ sở dữ liệu quốc gia; Giúp xây dựng thành công Toà án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới; đồng thời cung cấp, bổ sung thông tin để làm giàu dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, Thủ tướng tin tưởng những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hiệu quả Đề án và của Bộ Công an trong vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý Căn cước công dân sẽ được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhiệt tình ủng hộ; góp phần xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, công dân số; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Trần Đức