Thủ tướng: Khẩn trương nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở
Chính trị - Ngày đăng : 16:36, 20/01/2022
Sáng ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngành y tế có đóng góp rất quan trọng với nỗ lực rất lớn
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2021 vừa đi qua với khó khăn, thách thức chưa từng có, để lại những dấu ấn đặc biệt với nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là đối với toàn ngành y tế. Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, sau một năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhìn lại, chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong thành tựu, kết quả chung, có đóng góp rất quan trọng với nỗ lực rất lớn của ngành y tế. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2021 vừa qua.
Trong đó, điểm sáng nổi bật nhất chính là việc chúng ta thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái. Các chủ trương, chính sách, biện pháp triển khai phòng chống dịch được Trung ương đánh giá là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng.
Chúng ta đã huy động hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương; hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe và cũng có không ít đồng chí đã hy sinh... để quyết tâm bảo vệ, chăm lo tốt nhất sức khỏe, tính mạng của Nhân dân theo đúng tinh thần "thầy thuốc như mẹ hiền". "Các phương tiện truyền thông đại chúng đã đề cập nhiều, nhưng chúng ta vẫn chưa nói được hết những mất mát, hy sinh, chịu đựng của đội ngũ cán bộ y tế trong phòng chống dịch", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong thời gian vừa qua. Trước hết, phải tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phải luôn bình tĩnh, chắc chắn, giữ vững bản lĩnh để quyết định các vấn đề quan trọng ở những thời khắc rất cam go, khó khăn. Chúng ta có cách tiếp cận đúng đắn là tiếp cận toàn dân, tiếp cận từ cơ sở, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và động lực trong phòng chống dịch; tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đưa ra và chịu trách nhiệm về các quyết định.
Bên cạnh nhiệm vụ tập trung phòng, chống dịch, ngành y tế vẫn có những bước đổi mới, phát triển, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thường xuyên như tỉ lệ tham gia BHYT khoảng 91%; duy trì bền vững mức sinh thay thế từ năm 2005 (2,11 con/phụ nữ), tuổi thọ trung bình duy trì là 73,7 tuổi. Đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, đóng góp tích cực, tham mưu để Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, phục vụ phòng, chống dịch, trong đó Chính phủ ban hành 3 nghị định, 15 nghị quyết, Thủ tướng ban hành 12 quyết định… Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Chuyển đổi số trong ngành y tế được tăng tốc. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi phải quyết liệt hành động để giải quyết. Công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát còn những hạn chế, sơ hở, cần kiểm điểm sâu sắc, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để khắc phục bằng được, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua. Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết được các vấn đề y tế, còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn… Những thách thức mà ngành y tế phải quan tâm còn rất lớn với dân số đông, dịch bệnh phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng già hoá dân số…
Khẩn trương nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở
Về nhiệm vụ của ngành y tế trong năm 2022 và thời gian tới, cơ bản đồng ý với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Bộ, phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng yêu cầu bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 01/NQ-CP để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ Nhân dân.
Tiếp tục tập trung cho chương trình phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu. Không để khủng hoảng y tế, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế. Tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà. Nắm chắc tình hình, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa các vấn đề, tình huống mới có thể phát sinh nhưng không áp dụng các biện pháp cực đoan.
Tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh, thần tốc hơn nữa về tốc độ bao phủ vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, nếu thiếu vaccine thì Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân, nếu đủ vaccine mà không đạt mục tiêu tiêm chủng đã đề ra thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm. Nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất.
Bảo đảm chủ động về thuốc, Bộ Y tế công bố các loại thuốc được thế giới công nhận theo quy trình, thủ tục nhanh nhất, chống đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường, tiêu cực, tham nhũng. Xem xét, công nhận thuốc và vaccine trong nước nhanh nhất về thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu khoa học, an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương làm sớm, làm ngay, làm khẩn trương việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; ngay sau khi chương trình tổng thể phòng chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp từng tháng, từng quý, từng năm để hoàn thành nhiệm vụ này.
Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo. Thủ tướng lưu ý không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng.
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Tổ chức tổng kết 2 năm phòng chống dịch để đánh giá khách quan, tổng thể, bài bản, rút ra các bài học kinh nghiệm.
Nâng cao hiệu quả điều hành
Thủ tướng yêu cầu đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Có giải pháp hiệu quả hơn thu hút nguồn lực tư nhân, tổ chức thực hiện luật PPP rất linh hoạt. Đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác khác như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, các giải pháp cho tình trạng già hóa dân số, tham gia xử lý tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu.
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ chiến lược là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nhân lực chất lượng cao, thu hút người vào học ngành y, các bác sĩ về cơ sở, vùng sâu, vùng xa… Về lâu dài, cần quan tâm xử lý các vấn đề tâm lý – xã hội, các di chứng sau đại dịch, xây dựng và phát triển môn khoa học nghiên cứu về COVID-19…
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả điều hành, "miệng nói tay làm", tránh "nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm". Đặc biệt, nhiệm vụ hết sức quan trọng là coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, giữ vững và vận dụng sáng tạo 5 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết liệt, không khoan nhượng trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ, tăng cường giáo dục cán bộ y tế về tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 1/2 đến ngày 28/2 để đạt mục tiêu đề ra.