TANDTC đề xuất sửa Nghị quyết thay đổi trang phục của Hội thẩm nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 17:07, 19/01/2022

Chiều nay 19/1, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân (HTND).
ubtvqh.jpg

Theo Tờ trình của Chánh án TANDTC, các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị đều nhấn mạnh về chiến lược CCTP, trong đó có cải cách phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.

Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 UBTVQH về trang phục của Thẩm phán, HTND quy định: Trang phục HTND gồm trang phục xuân- hè là quần âu, áo sơ mi trắng; trang phục thu- đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay. Khi tham gia xét xử hoặc nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án, HTND sử dụng trang phục làm việc hàng ngày.

Thực trạng này đã bộc lộ một số hạn chế như: Tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong tổ chức phiên tòa; tạo sự phân biệt về vị trí, vai trò giữa các thành viên Hội đồng xét xử; làm hạn chế tính tôn nghiêm, sự chuyên nghiệp của phiên tòa…

Để bảo đảm cơ sở pháp lý, cho việc sửa đổi trang phục xét xử của HTND thống nhất, đồng bộ, TANDTC đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 về trang phục của Thẩm phán, HTND, nhằm bảo đảm đáp ứng tốt hơn, thực chất hơn sự tham gia của đại diện nhân dân vào công tác xét xử của Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng xét xử.

Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung gồm: Sửa đổi thay thế trang phục xét xử của HTND từ bộ comple thành áo choàng; Bổ sung phù hiệu HTND.

toe-.jpg
Phó Chánh án TANDTC trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13.

Đang có sự thiếu đồng bộ

Báo cáo thẩm tra của UBTP, do Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga trình bày cũng thể hiện, cơ quan này nhất trí với đề nghị sửa đổi, bổ sung nghị quyết của Chánh án TANDTC. Việc cấp trang phục áo choàng cho HTND góp phần đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần CCTP. HTND được bầu để làm nhiệm vụ xét xử trong cả nhiệm kỳ. Theo quy định của pháp luật thì Hội thẩm được cấp trang phục để làm việc tại Tòa án và tham gia xét xử.

Khi được phân công xét xử, Hội thẩm phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa. Hội thẩm và Thẩm phán đều là người tiến hành tố tụng, đều là thành viên của Hội đồng xét xử. Khi biểu quyết, HTND ngang quyền với Thẩm phán. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án xét xử tập thể, quyết định theo đa số (trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn), trong đó HTND và Thẩm phán cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình đối với các vấn đề của vụ án.

Tuy nhiên, khi xét xử, Thẩm phán mặc áo choàng; còn HTND mặc trang phục theo mùa đã tạo ra sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong việc tổ chức phiên tòa về trang phục xét xử giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử cùng ngồi trên bục cao nhất chính giữa phiên tòa; đồng thời, có thể tạo ra sự suy nghĩ, nhận thức chưa đúng đắn về vị trí, vai trò của HTND trong Hội đồng xét xử. Mặt khác, không có sự phân biệt về trang phục làm việc và trang phục xét xử của HTND.

Do đó, đa số ý kiến của UBTP thống nhất đề nghị của Chánh án TANDTC về việc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho HTND để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về trang phục trong Hội đồng xét xử; góp phần làm tăng tính tôn nghiêm của phiên tòa; tôn vinh, nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của HTND trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Một số ý kiến thành viên UBTP, Không nhất trí việc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho HTND và đề nghị giữ như hiện nay.

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nghị quyết 1214 của UBTVQH và thống nhất nhiều nội dung trong dự thảo nghị quyết kèm theo tờ trình của TANDTC. Theo đó, thống nhất đề xuất trang bị áo choàng phù hiệu và cho HTND khi tham gia xét xử, đảm bảo tính tôn nghiêm phiên tòa. Nội dung của phù hiệu, ngoài chữ tên của hội thẩm, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm TAND nơi Hội thẩm đó làm việc, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị.

tung-.jpg
Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn, trang phục cho Hội thẩm là cần thiết nhưng mẫu đồng phục như thế nào cho phù hợp, không nhất thiết phải áo choàng.

Chính phủ cũng đã nhất trí với chủ trương của TANDTC trang bị trang phục cho Hội thẩm khi tham gia HĐXX, góp phần nâng cao vị thế của HTNDvà tính trách nhiệm của phiên toà xét xử. Đề nghị cơ quan chủ trì xem xét về tính nhân dân của HTND để từ đó quyết định trang phục đồng thời tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế, vì chưa có nước nào quy định như vậy.

Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán

Giải trình thêm một số nội dung, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, lý do đề xuất này là do tổng kết công tác hàng năm, HTND 16.000 người rất tha thiết có đề nghị xin thay đổi sang trang phục áo choàng.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trước đây, trang phục của Hội thẩm và Thẩm phán đều giống nhau và đã được luật quy định, nhưng từ khi thực hiện CCTP, trang phục cuả Thẩm phán là áo choàng, nên trang phục của Hội thẩm có khác đi. Vì vậy TANDTC đã đưa ra đề xuất này.

Về tính nhân dân và vai trò của HTND so với Thẩm phán, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, luật của chúng ta khác bất cứ một luật nào trên thế giới. HTND tham gia xét xử, mang vào HĐXX quan niệm chung của xã hội về đạo đức, lẽ phải, về công bằng, tức là tính nhân dân của nó. Tất cả các quốc gia có Hội thẩm hay theo cơ chế bồi thẩm đoàn thì người ta chỉ được tham gia một nhiệm vụ thôi. HĐXX có hai nhiệm vụ là xác định sự thật của vụ án và áp dụng pháp luật để đưa ra phán quyết. Xác định sự thật của vụ án là giải quyết 4 câu hỏi: Có sự kiện phạm tội hay không? Bị cáo có liên quan đến vụ án hay không? Có đáng bị xử phạt hay không? Có đáng hưởng khoan hồng hay không?

nguyen-hoa-binh.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình thêm một số nội dung liên quan.

Còn áp dụng pháp luật là căn cứ vào các điều luật để xác định tội gì, mức án ra làm sao, bồi thường dân sự thế nào? Tất cả các nước, cơ chế nhân dân tham gia vào xét xử, nhân dân chỉ được tham gia xác định sự thật của vụ án, không được tham gia áp dụng pháp luật. Nhưng chúng ta cho HTND vừa xác định sự thật của vụ án, vừa áp dụng pháp luật bằng biểu quyết tội gì và bao nhiêu năm. Chính vì vậy, địa vị trong phiên xét xử của Hội thẩm khác với tất cả các quốc gia. Luật của chúng ta quy định như vậy nên HTND nhiệm vụ, địa vị, trách nhiệm của họ cũng giống Thẩm phán. Chính vì vậy, trong Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, khi oan sai thì HTND cũng phải bồi thường như Thẩm phán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhận định, những năm gần đây, TAND có nhiều đổi mới, tìm tòi. Tòa án có nhiều nỗ lực lớn, với mong muốn ngày càng chính quy góp phần đổi mới trong CCTP.

Trang phục xét xử phải trang nghiêm, để việc tổ chức xét xử chặt chẽ, nghiêm minh. Đề nghị TANDTC nghiên cứu để trang phục chính quy nhưng khác với áo choàng này. Đây không phải vấn đề lớn nhưng nhiều cơ quan băn khoăn, nên để lại bàn bạc kỹ hơn.

hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp chiều nay 19/1.

Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Qua thẩm tra và lấy ý kiến các uỷ ban của Quốc hội và trong phiên thảo luận hôm nay cũng còn ý kiến khác nhau, chưa có sự thống nhất. Theo quy định hiện hành, HTND được cấp trang phục và phải mặc trang phục khi xét xử. Vì vậy tiếp tục giao cho Toà án nghiên cứu sâu thêm và tổng kết thêm thực tiễn và trình UBTVQH trong một dịp khác.

Mai Thoa