M&A doanh nghiệp công nghệ còn nhiều dư địa để "bùng nổ"

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 11:24, 19/01/2022

Với những cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Chính phủ, ngành công nghệ có rất nhiều tiềm năng phát triển, tạo tiền đề để hoạt động M&A bùng nổ trong năm 2022.

Mặc dù ảnh hưởng COVID-19, nhưng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ năm 2021 tại Việt Nam vẫn khá sôi động với hàng loạt thương vụ lớn lên tới hàng trăm triệu USD.

m-a.jpg
M&A doanh nghiệp công nghệ còn nhiều dư địa để "bùng nổ"

Tính đến hết tháng 10/2021, số lượng các giao dịch M&A trong lĩnh vực công nghệ đã tăng gần gấp đôi và giá trị các thương vụ đã lớn gấp hơn ba lần toàn bộ các giao dịch của cả năm 2020.

Các lĩnh vực công nghệ chính thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trong thời gian vừa qua bao gồm: Thương mại điện tử (E-commerce), Fintech, Ed-tech, Logistics và tự động hóa kinh doanh (business automation).

Dự báo về triển vọng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022, nhiều chuyên gia công nghệ cũng như chuyên gia kinh tế dự báo, Việt Nam đang có triển vọng sáng trong hoạt động này. Đó là Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam; nguồn nhân lực công nghệ dồi dào; hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước đang phát triển mạnh mẽ và mở rộng nhanh chóng…

Theo đại diện KPMG, nhiều nhà đầu tư ngoại đang rất quan tâm và muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam ở các lĩnh vực công nghệ số: thương mại điện tử, giáo dục, y tế…

“Với những triển vọng tích cực, năm 2022, hoạt động đầu tư M&A lĩnh vực công nghệ của Việt Nam có thể đạt con số khoảng 2 tỷ USD. Việt Nam rất có cơ sở trở thành một địa chỉ thu hút đầu tư khởi nghiệp hấp dẫn trên thế giới”, ông Nguyễn Công Ái nhận định.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, hầu hết các thương vụ M&A lĩnh vực công nghệ số đều có quy mô nhỏ, tập trung trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nhiều công ty có thể có ý tưởng sản phẩm công nghệ tốt, nhưng chưa thể phát triển thành doanh nghiệp hoạt động quy mô bài bản do hạn chế về năng lực quản trị cũng như tiềm lực tài chính. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mới chỉ có sản phẩm cho thị trường trong nước, chưa có nhiều sản phẩm có tính khu vực và toàn cầu…

Theo TS. Võ Trí Thành, các thương vụ M&A lĩnh vực công nghệ dù khởi sắc nhưng gần như có rất ít hoặc chưa có những thương vụ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, năng lượng… “Cách mạng 4.0 là tích hợp nhiều công nghệ, nhưng Việt Nam thì chỉ là công nghệ số ở các lĩnh vực truyền thống. Nói về M&A công nghệ thì phải rộng hơn. Các vụ M&A vừa rồi nhắm vào Việt Nam, nhưng chưa phải thị trường toàn cầu”, ông Thành nói.

Lời giải cho vấn đề này được các chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp chỉ được nhà đầu tư chú ý và hấp dẫn khi họ phải có những giải pháp đột phá, có nhiều điểm mới, muốn M&A theo phương diện toàn cầu, phải nhìn xa, phải xử lý một số vấn đề: dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới và thuế; dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ; công nghệ lõi và an ninh quốc gia.

Trang Nhi