Ngân hàng củng cố nguồn lực xử lý nợ xấu

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 15:33, 18/01/2022

Lường trước áp lực nợ xấu từ nợ tái cơ cấu nên nhiều NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ.

Nợ xấu năm 2022 được dự báo sẽ gia tăng cùng với lạm phát. Đây là thách thức lớn đối với ngành Ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, nợ xấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng.

no-xau-3.jpg
Ngân hàng củng cố nguồn lực xử lý nợ xấu

Lường trước áp lực nợ xấu từ nợ tái cơ cấu nên nhiều NHTM đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ.

Hiện Agribank đang theo dõi sát hàng tháng để đánh giá từng khoản nợ có khả năng phục hồi hay chuyển nợ xấu để có kế hoạch dự phòng. Dự liệu cho những phát sinh có thể xảy ra, năm 2021 ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng, nâng tiếp tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 120% lên 140% để dự phòng cho năm 2022.

Về khả năng phòng thủ nợ xấu, Vietcombank gây chú ý đối với thị trường khi công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này ở mức 424%, cao kỷ lục ngành Ngân hàng. Điều này đồng nghĩa, mỗi đồng nợ xấu nội bảng của Vietcombank được đảm bảo bằng hơn 4 đồng dự phòng.

Theo báo cáo của ngân hàng này đến cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu là 963.670 tỷ đồng và 0,63%, quy mô nợ xấu nội bảng và quỹ dự phòng của Vietcombank theo đó ở mức 6.070 tỷ đồng và 25.740 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp sử dụng toàn bộ quỹ dự phòng để đưa nợ xấu về 0, ngân hàng vẫn dư ra hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cũng tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2021, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay đạt 235%. Con số này tại thời điểm 30/09/2021 mới chỉ đạt 140% và cuối năm 2020 là gần 89%.

Tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đạt 171%, tăng mạnh so với mức 132% của cuối năm 2020. Ngoài Big 4 các NHTMCP cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu khá cao như Techcombank tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184%, MB tăng từ 134% lên 233%, ACB tăng từ 160% lên 198%…

no-xau-4.jpg
Ảnh minh họa.

Theo lý giải của các chuyên gia, việc trích lập dự phòng cao không chỉ đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch COVID-19 mà còn là cơ sở để xử lý các biến cố cho ngân hàng trong năm 2022.

Duy trì quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng, song SSI Research vẫn lạc quan về triển vọng của những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu khi biến động xảy ra.

Vấn đề các ngân hàng bày tỏ lo lắng nhất trong việc xử lý nợ xấu giai đoạn tới là Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chỉ còn vài tháng nữa hết hiệu lực.  Do đó, cần sớm tổng kết Nghị quyết 42, trên cơ sở đó đề xuất, trình Quốc hội cho kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42/2017 hoặc ban hành Luật Xử lý nợ xấu để có thêm các công cụ hữu hiệu trong việc xử lý nợ xấu.

Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Trang Nhi