Tin vắn thế giới ngày 18/1: Liều vaccine COVID-19 thứ 4 không đủ ngăn ngừa biến thể Omicron

Chuyển động - Ngày đăng : 07:50, 18/01/2022

Tỷ lệ mắc COVID-19 ở Đức chạm mốc cao kỷ lục mới; Liều vaccine COVID-19 thứ 4 không đủ ngăn ngừa biến thể Omicron; Quan chức cấp cao Trung Quốc lĩnh án tử hình treo vì nhận hối lộ 70,7 triệu USD… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tỷ lệ mắc COVID-19 ở Đức chạm mốc cao kỷ lục mới

Ngày 17/1, Viện Robert Kock (RKI) của Đức thông báo tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong trung bình 7 ngày ở nước này tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục, với 528,2 ca/100.000 dân/ngày, tăng mạnh so với tỷ lệ 375,7 ca hồi tuần trước.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo tình hình dịch bệnh ở nước này trong những tuần tới sẽ diễn biến rất phức tạp do làn sóng lây lan biến thể Omicron. Ông dự báo sẽ có thêm hàng trăm nghìn ca mắc COVID-19 trở nặng và hàng nghìn ca tử vong vì căn bệnh này.

duc-2011.jpg
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/11/2021.

Làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron ở Italy có thể sớm đạt đỉnh

Ngày 17/1, Italy có 2 vùng mới bị chuyển sang vùng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, trong bối cảnh các cơ quan y tế báo hiệu làn sóng lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron ở nước này có thể sớm đạt đỉnh.

Sắc lệnh được Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza ký sau kết quả giám sát đại dịch mới nhất, cho biết vùng Aosta Valley ở Tây Bắc Italy đã bị xếp thành vùng cam, và vùng Campania ở phía Nam bị xếp thành vùng vàng.

Đức rút ngắn hiệu lực của chứng nhận phục hồi COVID-19

Chứng nhận phục hồi của những người mắc COVID-19 tại Đức sẽ chỉ còn hiệu lực 3 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây.

Điều này có nghĩa là những người chưa tiêm chủng có kết quả xét nghiệm PCR dương tính tối đa 28 ngày trước, chứng nhận phục hồi sẽ chỉ có hiệu lực không quá 3 tháng, để có thể đến các địa điểm công cộng trong nhà như rạp chiếu phim, cửa hàng không thiết yếu và phòng tập thể dục.

Israel: Liều vaccine COVID-19 thứ 4 không đủ ngăn ngừa biến thể Omicron

Giáo sư Gili Regev-Yochay, một chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Sheba cho biết, có sự gia tăng kháng thể sau khi tiêm liều vaccine thứ 4, cao hơn mức của liều thứ 3. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều người đã tiêm liều vaccine thứ 4 vẫn bị nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, có thể thấy vaccine có hiệu quả rất tốt chống các biến thể Alpha và Delta, nhưng chưa đủ hiệu quả trước biến thể Omicron.

omicron-vaccine.jpg
Ảnh minh họa

Hãng Pfizer mở rộng sản xuất thuốc đặc trị COVID-19 ở Pháp

Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ ngày 17/1 thông báo sẽ bổ sung một cơ sở sản xuất thuốc kháng virus COVID-19 tại Pháp như một phần trong kế hoạch đầu tư 520 triệu euro (594 triệu USD) ở nước này trong 5 năm tới.

Quyết định trên nằm trong chiến lược của Pfizer nhằm đẩy mạnh sản lượng của paxlovid - thuốc đặc trị COVID-19, trên toàn cẩu. Theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, paxlovid có hiệu quả lên tới gần 90% trong việc ngăn bệnh nặng phải nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Hạ viện Pháp thông qua việc áp dụng thẻ thông hành vaccine

Hạ viện Pháp ngày đã thông qua lần cuối cùng các biện pháp mới nhất của chính phủ nước này nhằm phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc áp dụng thẻ thông hành vaccine. Động thái này mở đường cho các biện pháp mới phòng ngừa dịch bệnh có hiệu lực trong những ngày tới tại Pháp.

Giới chức Australia quan ngại kit test nhanh COVID-19 bị tăng giá quá cao

Ủy ban quản lý cạnh tranh và người tiêu dùng của Australia (ACCC) ngày 17/1 bày tỏ "những lo ngại đáng kể" về các báo cáo liên quan đến việc tăng giá quá cao các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19 và đang tìm hiểu vấn đề này qua thông tin từ các nhà cung cấp, bán lẻ dược phẩm và các hiệu thuốc.

Lào khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người

Trong bối cảnh Lào sắp bước vào giai đoạn có nhiều lễ hội, Bộ Y tế Lào khuyến cáo người dân giảm quy mô các lễ hội và chỉ thực hiện nghi thức truyền thống nhằm hạn chế tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.

Nhằm giúp người thu nhập thấp mắc COVID-19 có khả năng tiếp cận việc điều trị tốt hơn, đồng thời hạn chế số ca bệnh nặng gia tăng, Bộ Y tế Lào đã đề nghị chính phủ nước này xem xét trợ cấp sản xuất thuốc Monupiravir điều trị bệnh COVID-19, tên thương mại tại Lào là Molacovir.

Trung Quốc dự kiến số lượt đi lại trong đợt Xuân vận năm 2022 tăng mạnh

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ngày 17/1 dự kiến trong mùa du lịch lễ hội mùa Xuân, còn gọi là Xuân vận, năm 2022, có khoảng 1,18 tỉ lượt hành khách đi lại, tăng 35,6% so với năm 2021 nhưng vẫn giảm 20,3% so với năm 2020.

Đệm hơi đặc biệt giúp giảm bớt gánh nặng tại các bệnh viện điều trị COVID-19

Gần đây, một loại đệm hơi đặc biệt đã mang đến sự tiện lợi cho nhiều bệnh viện ở Nhật Bản bằng việc giúp thay đổi tư thế nằm của các bệnh nhân COVID-19 ở thể nặng một cách dễ dàng và an toàn, nhằm đem lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh và tăng hiệu quả điều trị.

Chiếc đệm đặc biệt này có tên là HoverMatt, là sản phẩm được phát triển tại Mỹ, do công ty thiết bị y tế Meilleur (Nhật Bản) nhập khẩu và phân phối từ năm 2016.

nhat-ban-170122.jpg
Người chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Hokkaido ở Sapporo sử dụng nệm HoverMatt để thực hành xoay người bệnh. Ảnh: mainichi.jp

Tuổi thọ trung bình của người Australia tăng bất chấp đại dịch COVID-19

Tuổi thọ của người Australia đã tăng lên mức kỷ lục trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu. Đây là kết quả nghiên cứu do Đại học Quốc gia Australia (ANU) tiến hành và được công bố ngày 17/1.

Theo nghiên cứu, tuổi thọ của cả nam giới và nữ giới Australia đã tăng 0,7 tuổi trong năm 2020 - năm đầu tiên bùng phát đại dịch COVID-19 - so với năm 2019. Mức tăng này vượt xa mức tăng trung bình từ 0,09 - 0,14 năm được ghi nhận từ năm 2015 đến năm 2019.

Iraq hồi hương khoảng 4.000 người di cư từ khu vực biên giới Belarus

Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein ngày 16/1 thông báo trong những tuần gần đây, Baghdad đã hồi hương khoảng 4.000 công dân nước này mắc kẹt tại khu vực biên giới Belarus giáp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Ba Lan, Litva và Latvia.

Nhật Bản công bố các ưu tiên về chính sách ngoại giao

Ngày 17/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã nêu bật tầm nhìn và các ưu tiên chính sách đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản trong thời gian tới, bao gồm cam kết tăng cường liên minh Nhật-Mỹ, đồng thời nâng cấp năng lực phòng thủ nhằm đảm bảo hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nicaragua tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Nicaragua trở thành quốc gia mới nhất tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, khi hai nước xích lại gần nhau hơn để tăng cường quan hệ song phương và hợp tác kinh tế.

Quan chức cấp cao Trung Quốc lĩnh án tử hình treo vì nhận hối lộ 70,7 triệu USD

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin một tòa án ở Thiên Tân ngày 17/1 đã tuyên phạt ông Wang Fuyu án tử hình treo trong thời gian hai năm, sau đó sẽ giảm xuống mức tù chung thân. Ngoài ra, ông Wang sẽ phải nộp phạt 1 triệu nhân dân tệ và bị tịch tu toàn bộ tài sản. Cựu quan chức này không có ý định kháng cáo.

Trường hợp tham nhũng của ông Wang được liệt kê chi tiết trong tập thứ hai của bộ phim tài liệu chống tham nhũng được chiếu trên đài truyền hình quốc gia CCTV vào tối 16/1. Trong đó, ông đã thú nhận hành vi sai trái của mình, đồng thời bày tỏ sự hối hận.

quan-chuc-trungquoc-tham-nhung-wang-fuyu.jpg
Ông Wang Fuyu nhận tội trên sóng truyền hình ngày 16/1. Ảnh: CCTV

Nga lại phạt Google do không xóa nội dung cấm

Một tòa án Nga ngày 17/1 thông báo đã yêu cầu hãng Google phải nộp phạt 4 triệu ruble (tương đương 52.526 USD) do đã không xóa các nội dung bị cấm. Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến một loạt án phạt mà Nga áp đặt đối với tập đoàn công nghệ Mỹ.

Một số máy bay không người lái bay quanh các nhà máy điện hạt nhân Thụy Điển

Cơ quan an ninh Thụy Điển (Sapo) cho biết đã tiếp nhận cuộc điều tra từ cảnh sát nước này liên quan đến hoạt động của máy bay không người lái tại các khu vực nhà máy điện hạt nhân ở Forsmark, Ringhals và Oskarshamn.

Trước đó, ngày 15/1, cảnh sát Thụy Điển cho biết đã nhận được thông tin báo cáo về máy bay không người lái bay trên khu vực đặt các nhà máy điện hạt nhân. Giới chức Thụy Điển đã quyết định điều tra để nắm rõ thông tin chi tiết cũng như làm rõ những nghi ngờ về hành động đánh cắp thông tin mật.

Đức: Nổ trạm xăng khiến 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra chiều 17/1 tại một trạm xăng ở bang Hessen, miền Tây nước Đức.

Một nhân chứng đã nghe thấy một tiếng nổ lớn trước khi ngọn lửa bùng lên. Tuy nhiên, nguyên nhân vụ cháy hiện vẫn chưa được làm rõ.

Nổ 3 xe bồn chở nhiên liệu tại UAE nghi do tấn công bằng máy bay không người lái

Cảnh sát Abu Dhabi tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết ngày 17/1, ba xe bồn chở nhiên liệu đã phát nổ tại khu công nghiệp Musaffah gần các cơ sở dự trữ của công ty dầu mỏ ADNOC và một vụ cháy đã xảy ra tại khu công trường ở sân bay quốc tế Abu Dhabi.

Động đất mạnh tại Afghanistan, ít nhất 12 người thiệt mạng

Ít nhất 12 người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương sau trận động đất xảy ra ngày 17/1 rung chuyển tỉnh Badghis, miền Tây Afghanistan.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ban đầu cho biết trận động đất có độ lớn 5,6, nhưng sau đó điều chỉnh xuống mức 5,3. Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải châu Âu (EMSC) cũng ghi nhận trận động đất có cùng độ lớn, song cho biết thêm tâm chấn của động đất nằm ở độ sâu 30 km.

Hoạt động giám sát núi lửa tại Tonga gặp nhiều khó khăn

Hiện các nhà khoa học đang chật vật tìm cách theo dõi hoạt động của núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai mới phun trào tại Tonga cuối tuần qua vì vụ phun trào đã phá hủy và khiến phần lớn miệng núi lửa vốn nằm ngang mực nước biển chìm hẳn xuống dưới, do đó cản trở các hoạt động theo dõi bằng vệ tinh.

Australia, New Zealand điều máy bay khảo sát thiệt hại do núi lửa phun trào tại Tonga

Ngày 17/1, Australia và New Zeland đã huy động các máy bay tuần tra tiến hành các chuyến bay khảo sát để đánh giá thiệt hại do núi lửa phun trào ở Tonga, trong bối cảnh đảo quốc Thái Bình Dương này đã bị cô lập hoàn toàn vì mất điện và đường truyền internet gián đoạn.

Bạch Dương