Tin vắn thế giới ngày 14/1: Vaccine ngừa COVID-19 cần được bổ sung thành phần để ngăn ngừa biến chủng
Chuyển động - Ngày đăng : 08:07, 14/01/2022
Vaccine ngừa COVID-19 cần được bổ sung thành phần để ngăn ngừa biến chủng
Theo báo cáo của Nhóm Tư vấn kỹ thuật về các thành phần của vaccine phòng COVID-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (TAG-CO-VAC), các vaccine phòng COVID-19 hiện nay cần được bổ sung thành phần để bảo đảm hiệu quả phòng ngừa biến chủng Omicron và các biến chủng trong tương lai.
Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng, TAG-CO-VAC ủng hộ việc người dân trên toàn thế giới được tiếp cận khẩn cấp và rộng rãi đối với các loại vaccine phòng COVID-19 hiện tại, nhằm bảo vệ, phòng ngừa và giảm tác hại của các biến chủng COVID-19.
Phát hiện gene làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc COVID-19 trở nặng
Các nhà khoa học Đại học Y Bialystok của Ba Lan đã phát hiện một gene được cho là có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng. Phát hiện này sẽ giúp các bác sĩ xác định người có nguy cơ nhất khi mắc COVID-19.
Các nhà khoa học phát hiện rằng gene này là nhân tố quan trọng thứ 4, xác định mức độ nghiêm trọng khi một người mắc COVID-19, sau độ tuổi, cân nặng và giới tính. Người phụ trách nghiên cứu, Giáo sư Marcin Moniuszko cho biết gene này xuất hiện trong khoàng 14% dân số Ba Lan, 8-9% dân số toàn châu Âu, 27% dân số Ấn Độ.
WHO cảnh báo nguy cơ do biến thể Omicron tại Đông Địa Trung Hải
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Đông Địa Trung Hải ngày 13/1 cho biết một đợt gia tăng “đột biến” số ca nhiễm trong khu vực này đang xuất hiện do biến thể Omicron gây ra, đồng thời cảnh báo nguy cơ khi một số nước tại đây vẫn đang có tỷ lệ tiêm phòng rất thấp.
Tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của AstraZeneca tạo phản ứng miễn dịch mạnh
Hãng dược phẩm AstraZeneca ngày 13/1 đã công bố những dữ liệu nghiên cứu sơ bộ về loại vaccine ngừa COVID-19 mà hãng này phát triển - có tên gọi chính thức là vaccine Vaxzevria.
Kết quả cho thấy khi tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của AstraZeneca có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn trước biến thể Omicron và những biến thể khác của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả các biến thể Beta, Delta, Alpha và Gamma.
Moderna thông báo thời điểm công bố dữ liệu về vaccine cho trẻ từ 2-5 tuổi
Hãng dược phẩm Mỹ Moderna ngày 12/1 thông báo sẽ công bố báo cáo về dữ liệu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 2 đến 5 tuổi vào tháng 3 tới.
Moderna cho biết nếu dữ liệu thu thập từ các cuộc thử nghiệm cho kết quả tích cực, hãng sẽ tiến hành thủ tục nộp đơn lên Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng vaccine trên cho trẻ từ 2-5 tuổi.
Quốc hội Pháp thông qua dự luật về thẻ vaccine
Ngày 13/1, với 249 phiếu thuận và 63 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã phê chuẩn các biện pháp mới về phòng chống dịch COVID-19 do Chính phủ nước này đề xuất, trong đó có dự luật về thẻ vaccine.
Theo dự luật trên, người dân cần phải có thẻ vaccine để có thể sử dụng các dịch vụ cơ bản như tàu liên tỉnh, thành phố, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc ăn uống. Chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh sẽ không còn hiệu lực nữa. Quy định này sẽ được áp dụng với những người từ 16 tuổi trở lên.
80% dân số Ecuador được tiêm ít nhất hai liều vaccine ngừa COVID-19
Ngày 13/1, Bộ trưởng Y tế Ecuador Ximena Garzón cho biết 12,95 triệu công dân nước này, tương đương 80% dân số trên 5 tuổi, đã được tiêm ít nhất hai liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi ít nhất 1,64 triệu người đã được tiêm liều thứ ba.
Chính quyền Mỹ mua thêm 500 triệu kit xét nghiệm COVID-19
Một quan chức Nhà Trắng ngày 13/1 tiết lộ Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chỉ đạo chính quyền nước này mua thêm 500 triệu kit xét nghiệm COVID-19 để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm đang gia tăng trên khắp nước Mỹ trong bối cảnh sự lan rộng của biến thể Omicron.
Đơn đặt hàng này bổ sung vào số 500 triệu kit xét nghiệm khác mà Nhà Trắng cam kết có sẵn để người Mỹ sử dụng vào tháng 1 năm nay.
Đức thừa nhận khó đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng này
Cuối năm ngoái, Chính phủ Đức đặt mục tiêu cuối tháng 1/2022 sẽ tiêm chủng được cho ít nhất 80% dân số nước này. Tuy nhiên, phát biểu với trang tin The Pioneer, Bộ trưởng Lauterbach cho biết khó đạt được mục tiêu này. Tính tới ngày 12/1, mới chỉ có 62,2 triệu người dân Đức tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19, tương đương 74,8% dân số.
Đức điều tra các đường dây làm chứng nhận tiêm chủng giả
Sáng 13/1, hàng trăm cảnh sát nước này đã đột kích nhiều địa điểm tại các bang Bayern, Baden-Württemberg, Hessen và Nordrhein-Westfalen nhằm điều tra các đường dây làm và sử dụng chứng nhận tiêm chủng giả.
Cuộc điều tra xuất phát từ vụ một bác sĩ gia đình thuộc huyện Donau-Ries, bang Bayern, người được cho là đã cấp giấy chứng nhận tiêm chủng mà thực tế không qua tiêm chủng. Tất cả những trường hợp này bị điều tra về hành vi gian lận và sử dụng giấy chứng nhận giả cũng như khả năng vi phạm Đạo luật Phòng chống lây nhiễm.
Các nước nghèo từ chối hơn 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 12/2021
Các quan chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết các nước nghèo trong tháng trước đã từ chối hơn 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của chương trình hỗ trợ vaccine toàn cầu COVAX, chủ yếu do hạn sử dụng còn quá ngắn.
Campuchia xem xét miễn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm mũi tăng cường
Bộ Y tế Campuchia đang xem xét khả năng áp dụng quy định tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 để miễn cách ly đối với người nhập cảnh. Quy định này nhằm đảm bảo thành công của chiến dịch miễn dịch cộng đồng tại Campuchia.
Anh giảm thời gian tự cách ly xuống 5 ngày
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 13/1 cho biết thời gian tự cách ly tối thiểu đối với người mắc COVID-19 ở vùng England sẽ giảm từ 7 ngày xuống 5 ngày nếu có 2 lần xét nghiệm âm tính. Động thái này sẽ giúp giảm tình trạng thiếu nhân sự cho các doanh nghiệp và quản lý cơ sở hạ tầng.
Australia nới lỏng yêu cầu cách ly đối với người tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 13/1 thông báo mở rộng danh sách các ngành nghề mà người lao động được miễn trừ các yêu cầu về cách ly trong trường hợp được xác định là tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Cụ thể, các ngành nghề thiết yếu được bổ sung trong danh sách được miễn trừ cách ly bao gồm vận tải hàng hóa và hậu cần, thực thi pháp luật, cải tạo - giam giữ, năng lượng, nước và quản lý chất thải, cung cấp thực phẩm, đồ uống và hàng hóa thiết yếu khác, nhưng không bao gồm dịch vụ khách sạn, viễn thông, dữ liệu, báo chí, cũng như giáo dục và chăm sóc trẻ em.
Thông báo cho biết để không phải cách ly 7 ngày, những người được xác định là tiếp xúc gần, hầu hết là người trong gia đình sống cùng với bệnh nhân COVID-19, phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt nguy cơ phải từ chức
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hủy chuyến đi đến khu vực phía Bắc England vào ngày 13/1 sau khi một người thân của ông dương tính với COVID-19. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi ông lên tiếng xin lỗi vì đã tham gia một bữa tiệc trong thời gian Anh áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Hàn Quốc ủng hộ Mỹ thúc đẩy các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên
Hàn Quốc ngày 13/1 đánh giá việc Mỹ thúc đẩy các lệnh trừng phạt bổ sung của LHQ đối với Triều Tiên dường như nhằm tạo ra phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế trước những hành động gần đây của Bình Nhưỡng.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Choi Young-sam - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc - cho rằng Washington dường như muốn mở rộng các biện pháp trừng phạt theo các nghị quyết hiện có của Hội đồng Bảo an LHQ hơn là thông qua các nghị quyết mới.
Syria gia nhập sáng kiến 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc
Syria đã chính thức gia nhập sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc với kỳ vọng được đảm bảo nguồn đầu tư sau hơn một thập niên ảnh hưởng của nội chiến.
Tờ Newsweek (Mỹ) đưa tin sự tham gia của Damascus đã được “kích hoạt” qua buổi lễ tổ chức ngày 11/1 với Chủ tịch Cơ quan Kế hoạch và Hợp tác Quốc tế Syria Fadi al-Khalil cùng Đại sứ Trung Quốc tại Syria Feng Biao ký kết biên bản ghi nhớ.
Nga nêu thời điểm kết thúc sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tại Kazakhstan
Sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) nhiều khả năng sẽ được hoàn thành vào ngày 19/1 tới. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong ngày 13/1.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Sergei Shoigu cho biết việc rút lực lượng gìn giữ hòa bình của liên minh quân sự CSTO khỏi Kazakhstan sẽ được hoàn thành vào ngày 19/1.
Gia tăng tranh chấp về nội dung cốt lõi của hiệp định NAFTA phiên bản mới
Canada đang tham gia cùng Mexico trong một cuộc tranh chấp leo thang với Mỹ về việc ô tô phải được sản xuất ở Bắc Mỹ với "hàm lượng" như thế nào để đủ điều kiện được miễn thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, mà Mỹ gọi là Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Đây là cuộc xung đột thứ hai về thương mại ô tô trong 6 tháng qua giữa "bộ tam" Mỹ-Mexico-Canada. Canada và Mexico cũng đang đấu tranh với những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm khấu trừ thuế cho những người mua xe điện - nhưng chỉ những xe được lắp ráp tại Mỹ.
LHQ dự báo kinh tế toàn cầu 2022 tăng trưởng 4%
Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021 và tới năm 2023 sẽ chỉ còn 3,5% trong bối cảnh nhiều làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang xảy ra cộng với những thách thức về thị trường lao động, chuỗi cung và lạm phát tăng cao.
Trong Báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2022 đưa ra ngày 13/1, LHQ cho rằng động lực tăng trưởng có được trong năm 2021 đang bắt đầu chậm lại từ cuối năm ngoái, có thể thấy ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ do các biện pháp kích thích tiền tệ tài chính bắt đầu giảm dần và tình trạng đứt gãy chuỗi cung lại nổi lên.
EC lên tiếng về 'hộ chiếu vàng' của Vanuatu
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12/1 đề xuất đình chỉ một phần thỏa thuận với Cộng hòa Vanuatu cho phép công dân của quần đảo Thái Bình Dương này đến EU mà không cần thị thực, thông qua các chương trình mua quốc tịch gây tranh cãi, một cách được gọi là "hộ chiếu vàng".
Tuy nhiên, EC lưu ý việc đến EU theo cách này không đủ an toàn, trên cơ sở việc giám sát các chương trình này, các rủi ro mà quyền công dân của Vanuatu đang hoặc đã được cấp cho người nộp đơn nằm trong cơ sở dữ liệu của Interpol, các cuộc điều tra an ninh làm dấy lên lo ngại về độ tin cậy.
Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp
Ngày 13/1, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) tiếp tục kêu gọi 6 nước dọc sông Mekong khẩn trương giải quyết vấn đề dòng chảy thấp trong khu vực, sự thay đổi bất thường của mực nước và tình trạng hạn hán trong bối cảnh khu vực hạ lưu sông Mekong tiếp tục có dòng chảy thấp kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp.
Lật xe thảm khốc Philippines làm ít nhất 11 người tử vong
Một vụ tai nạn lật xe thảm khốc vừa xảy ra ngày 13/1 tại khu vực miền Nam Philippines, cướp đi sinh mạng của ít nhất 11 người bao gồm cả trẻ em.
Theo cảnh sát địa phương, ngày 12/1, chiếc xe tải nhỏ chở nhóm khách có cả trẻ em đến một địa điểm nghỉ dưỡng ven biển trên đảo Mindanao để dự buổi tiệc mừng Giáng sinh vốn bị trì hoãn trước đó. Tai nạn xảy ra khi xe bị lật do phanh hỏng khiến tài xế mất lái lúc xuống một con dốc.