Bộ Công Thương: Cách tính tỷ lệ nội địa hoá linh kiện ôtô không còn phù hợp

Kinh tế - Ngày đăng : 10:39, 13/01/2022

Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, cách tính tỷ lệ theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước áp dụng 20 năm qua không còn phù hợp với thực tế và các FTA đã ký.

Tại họp báo thường kỳ ngày 12/1, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quy định về cách tính tỷ lệ nội địa hoá linh kiện, cụm linh kiện ôtô được thực hiện từ năm 2004. Tới nay sau gần 20 năm đã cho thấy nhiều nội dung không còn phù hợp thực tế, cần sửa đổi để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.

Ông nói thêm, Bộ Khoa học & Công nghệ cũng nhận thấy những tồn tại này và đang trong quá trình chỉnh sửa. "Là cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực công nghiệp, sản xuất ôtô, Bộ Công Thương sẽ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉnh sửa các quy định này", ông nói.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương tại họp báo ngày 12/1. Ảnh: Hồng Hạnh

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương tại họp báo ngày 12/1. Ảnh: Hồng Hạnh

Cách đây 4 tháng, Bộ Khoa học & Công nghệ đã lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Thông tư bỏ các văn bản về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá với ôtô và mức độ rời rạc của các linh kiện ôtô nhập khẩu.

Cơ quan này đánh giá các quy định này không còn phù hợp với công nghệ sản xuất ôtô sau gần 20 năm và các quy định tại các FTA mà Việt Nam tham gia, nên đề xuất bỏ.

Nhiều bộ, ngành cũng đồng tình việc này. Theo Bộ Công Thương, phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đang áp dụng từ năm 2004 chưa phản ánh đầy đủ giá trị, hàm lượng công nghệ của các linh kiện trên ôtô trong tổng sản phẩm hoàn chỉnh.

Chẳng hạn, cùng một loại linh kiện nội, ngoại thất như nhau trên ôtô nhưng nếu vật liệu, công nghệ chế tạo khác nhau thì giá trị linh kiện chênh lệch lớn ở từng mẫu xe, phiên bản xe. Như cùng là bộ ghế, có mẫu xe dùng ghế chỉnh cơ, vỏ bọc bằng nỉ, nhưng cũng có mẫu xe dùng ghế điều chỉnh bằng điện, vỏ bọc da, có hệ thống sưởi... Tuy nhiên, cùng là ghế ôtô nên điểm nội địa hoá lại như nhau, trong khi tính năng công nghệ, chất liệu và giá thành khác nhau.

Theo quy định hiện nay Việt Nam vẫn sử dụng cách tính tỷ lệ nội địa hoá theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước. Trong khi theo thông lệ quốc tế các nước tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị sản xuất trong nước. Điều này khiến các doanh nghiệp khó được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% nếu tỷ lệ nội địa hoá nội khối, như với ASEAN là 40%.

Ngoài ra, về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu, quy định hiện hành thì các linh kiện nhập khẩu phải đi theo cụm, đi kèm nhiều chi tiết khác nhau. Chẳng hạn, một chiếc ghế trong ôtô gồm 3 mảnh, thì doanh nghiệp phải nhập khẩu cả 3 mảnh đó cùng một nơi xuất xứ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ việc nhiều quốc gia đối tác gỡ bỏ thuế quan, nên họ có thể nhập linh kiện rời từ các đối tác khác nhau hoặc từ các quốc gia khác nhau để được ưu đãi.

Việc thay đổi cách tính mức độ rời rạc của linh kiện theo chi tiết nhỏ, thay vì quy định "cứng" về mức độ rời rạc của linh kiện, sẽ tối ưu hoá chi phí sản xuất, phù hợp thực tế.

Bộ Giao thông Vận tải góp ý, các quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô hiện nay gây chồng chéo về quản lý, tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, nên cần rà soát, bãi bỏ.

"Việc loại bỏ quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô nhập khẩu là điều cấp thiết, để phát triển ngành công nghiệp ôtô bền vững, hội nhập với thế giới", bộ này nêu quan điểm.

Sau thời gian nhận góp ý từ các bộ, ngành, dự thảo Thông tư bỏ cách tính tỷ lệ nội địa hoá với linh kiện ôtô vẫn đang được Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu, hoàn thiện.

Chính phủ từng đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hoá các loại xe phổ thông là 30% vào 2005, và tăng lên 60% vào 2010. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nội địa hoá còn rất khiêm tốn, khoảng 10% với xe du lịch; 40-50% với ôtô tải và khoảng 55% với ôtô khách.

Minh Khang