Cải cách tư pháp cần đảm bảo sự độc lập của Tòa án
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 14:00, 11/01/2022
Hội thảo dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” cùng các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC; Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Báo cáo đề dẫn về cải cách tư pháp (CCTP) tại Tòa án cho thấy, sau 20 năm thực hiện CCTP theo các Nghị quyết của Đảng, công tác CCTP trong TAND đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của Tòa án.
Vị trí, vai trò của Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013; mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của TAND được cải cách mạnh mẽ, mang tính đột phá; pháp luật về tố tụng tư pháp từng bước được hoàn thiện, bảo đảm tranh tụng trong xét xử, tăng tính dân chủ, minh bạch, hiệu quả…
Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của người dân; công tác CCTP vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Tòa án cũng còn những hạn chế cần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới phát sinh do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và quốc tế cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh CCTP để thích ứng tốt hơn với tình hình mới.
Thực hiện Kế hoạch 02-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đến năm 2030, định hướng 2045”, Ban cán sự đảng TANDTC đã xây dựng đề án chuyên đề về CCTP tại Tòa án theo tinh thần đề án trên.
Đảm bảo sự độc lập của Tòa án
Phát biểu đóng góp ý kiến, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, việc xây dựng đề án chuyên đề của Tòa án về CCTP là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Về một số vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn, GS. Trần Ngọc Đường cho rằng, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã đề cập đến vai trò của Tòa án là trung tâm trong hoạt động tư pháp và xét xử là trọng tâm. Nhưng nhận thức về vấn đề này hiện nay còn chưa thống nhất, phải làm rõ thêm, cụ thể hơn để Tòa án phát huy vai trò là trung tâm hoạt động tư pháp.
Xuất phát từ quy định đó, GS.TS Trần Ngọc Đường có đưa ra một số kiến nghị, trong xây dựng đề án làm thế nào để đảm bảo sự độc lập của Tòa án/Thẩm phán. Sự phối hợp giữa các cơ quan cần thể chế ở góc độ chế ước lẫn nhau. Tòa án phải là cơ quan kiểm soát hành pháp, và hoạt động giám sát của Quốc hội cần phải thực hiện ra sao để bảo đảm sự độc lập của Tòa án.
Một số ý kiến khác cũng đề nghị bỏ nội hàm giám sát hoạt động xét xử vì làm như vậy sẽ phương hại đến sự độc lập của Tòa án. Theo đó, phải có 3 luận điểm dựa vào đó để CCTP đó là: khẳng định quyền tư pháp là Tòa án; phải bảo đảm để các cơ quan tư pháp độc lập; phối hợp kiểm soát hoạt động tư pháp nhưng phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, tránh làm phương hại hoặc can thiệp hoạt động của Tòa án.
Theo GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Về thực hiện vai trò của Tòa án trong quá trình tố tụng, các luật về tố tụng hiện nay ở nước ta, đặc biệt là pháp luật tố tụng hình sự chưa được thể chế hóa đầy đủ chức năng nhiệm vụ của Tòa án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan hiện thân của công lý, phải khách quan trong việc đưa ra các phán quyết.
Tòa án ở nước ta lại có vai trò quá chủ động, tích cực trong phiên Tòa sơ thẩm và đang được giao thực hiện một số thẩm quyền không phù hợp với chức năng xét xử, yêu cầu về bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên trong việc thực thi các chức năng tố tụng của mình, nhất là sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội chưa được bảo đảm. Tòa án là cơ quan xét xử, nhân danh công lý ra phán quyết về vụ án, song Tòa án lại được giao cả những thẩm quyền khác thuộc chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội.
Từ đó, đại biểu đề xuất, cần khẳng định một số luận điểm chính trong trong Nghị quyết Trung ương về “Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” như sau: Quyền tư pháp là quyền tài phán của Nhà nước được thực hiện dưới hình thức xét xử - là chức năng được trao duy nhất cho Tòa án.
Quyền tư pháp được trao cho toàn bộ cơ quan tư pháp từ Tòa án cấp thấp nhất cho đến Tòa án cấp cao nhất, mỗi cơ quan là chủ thể thực hiện độc lập quyền tư pháp, chủ thể bảo vệ công lý. Mỗi cơ quan Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong các vụ việc cụ thể theo thẩm quyền và hoàn toàn độc lập và theo Hiến pháp và pháp luật.
Phối hợp và kiểm soát quyền tư pháp là hoạt động tất yếu trong việc thực hiện quyền lực nhà nước và phải đặt trong và trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo độc lập của quyền tư pháp. Đồng thời, quy định cụ thể giới hạn của các hình thức giám sát đối với việc thực hiện quyền tư pháp sao cho vừa kiểm soát được việc thực hiện quyền lại vừa đảm bảo được tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong việc thực hiện quyền tư pháp.
Các ý kiến sâu sắc, sát với tình hình tư pháp nước nhà
Phát biểu tham luận sau đó, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị, cần hoàn thiện địa vị pháp lý của Tòa án theo hướng, tiếp tục làm rõ và khẳng định địa vị pháp lý của Tòa án, cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Vì Tòa án là cơ quan duy nhất được Hiến pháp quy định một cách tường minh là “cơ quan thực hiện quyền tư pháp”, nên Tòa án không được chia sẻ quyền năng này với cơ quan nào khi xét xử một vụ án cụ thể.
Khi việc xét xử đến cơ quan có thẩm quyền cao nhất, đó là điểm chấm hết cho tố tụng tư pháp để bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành. Không xác định được điểm dừng đó sẽ làm cho thủ tục tư pháp kéo dài, không thể kết thúc, gây ra những hệ lụy nhũng nhiễu, tiêu cực, làm mất lòng tin của người dân và xã hội vào cơ quan tư pháp. Hoàn thiện các quy định của pháp luật để đảm bảo yêu cầu kiểm soát vừa bảo đảm tính độc lập xét xử của Tòa án.
LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu: CCTP đã xác định Tòa án trung tâm, xét xử trọng tâm. Xuất phát từ đó, tranh tụng là vấn đề quan trọng và cốt lõi trong CCTP, nên đảm bảo tranh tụng trong xét xử là cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét bỏ một số chức năng trong tố tụng, cải cách thủ tục xét hỏi tại phiên tòa; xác định lại địa vị pháp lý và tư cách của luật sư tham gia tố tụng.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo. Các ý kiến của các nhà khoa học là vấn đề mới, sâu sắc, rất khoa học và tâm huyết; tiệm cận được với tri thức nhân loại và sát với tình hình tư pháp nước nhà.
Các ý kiến cũng đã gợi mở nhiều nội dung lớn cho ban soạn thảo, không chỉ với Tòa án mà với Ban chủ nhiệm của đề án lớn và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Trong đó các ý kiến cũng đặt ra các nhiều vấn đề quan trọng như sự độc lập của Tòa án, vấn đề công khai minh bạch… hết sức có giá trị.
Chánh án cũng cho hay, các nhà khoa học sau khi tiếp cận Đề án 21 mà Ban Chỉ đạo giao cho Tòa án thực hiện đã thống nhất, đánh giá cao và chỉ ra những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng thêm. Những nội nung này sẽ được Tòa án tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện dự thảo đề án.
Trong thời gian tới, Ban nghiên cứu đề án của Tòa án sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án trình Ban chỉ đạo cho ý kiến. Chánh án tin tưởng rằng với sự tiếp thu các ý kiến đóng góp này chất lượng của đề án sẽ được nâng lên đáng kể.