Triều Tiên lại phóng thử vật thể không xác định về phía biển Nhật Bản
Chuyển động - Ngày đăng : 11:33, 11/01/2022
"Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của Hàn Quốc đã thông báo về vụ phóng", Yonhap cho biết.
Theo Yonhap, phía quân đội Hàn Quốc đang phân tích thông tin bổ sung về loại đạn được Triều Tiên phóng đi.
Hãng tin NHK dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết đó có thể là một tên lửa đạn đạo.
Đây là vụ thử vũ khí thứ hai của CHDCND Triều Tiên kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Ngày 5/1, Triều Tiên xác nhận đã thử tên lửa siêu thanh, đồng thời ước tính tầm bay của tên lửa là 700 km. Theo các nguồn tin của Bình Nhưỡng, quả đạn đã "chính xác bắn trúng mục tiêu".
Cũng trong sáng ngày 5/1, truyền thông đưa tin Triều Tiên đã bắn một quả đạn không rõ chủng loại được cho là một tên lửa đạn đạo về phía Biển Nhật Bản. Ngay sau đõ ban tham mưu ứng phó khủng hoảng trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản được triệu tập họp khẩn cấp.
Cùng ngày, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết tàu biển và máy bay của nước này không bị thiệt hại gì do vụ phóng nghi là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ông Kishi lưu ý rằng Bộ Quốc phòng hiện đang tiếp tục phân tích dữ liệu về vụ phóng nói trên
Ông cũng cho biết theo tính toán sơ bộ tên lửa đã rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 6/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đang "gây ra mối đe dọa" đối với khu vực và cộng đồng quốc tế.
Đánh giá về triển vọng đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng, giới chuyên gia Mỹ cho rằng có rất ít, hoặc hầu như không có cơ hội diễn ra đàm phán giữa hai nước trong năm nay do cả hai bên đều không đưa ra nhượng bộ đáng kể nào. Các chuyên gia cũng cho rằng Mỹ có thể duy trì nguyên trạng với Triều Tiên, miễn là Bình Nhưỡng không thể hiện mối đe dọa trực tiếp đối với Washington.
Theo ông Harry Kaziani - Giám đốc Trung tâm Lợi ích quốc gia, có trụ sở tại Washington, cơ hội đàm phán với Triều Tiên "còn thấp hơn cả 0” vì chính quyền của Tổng thống Joe Biden không có “biên độ chính trị” để nhượng bộ trong khi Bình Nhưỡng cũng không muốn đàm phán trong thế yếu.