Xe phân khối lớn Kawasaki ZX mua từ tiền cướp ngân hàng được xử lý như thế nào?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 22:51, 09/01/2022

Sau khi cướp khoảng 3 tỉ đồng tại một chi nhánh ngân hàng ở Hải Phòng, Nguyễn Văn Nam đã dùng một phần trong số tiền cướp được để xe môtô phân khối lớn mang nhãn hiệu Kawasaki ZX 10R 1.000cm3 đời 2021 để làm phương tiện chạy trốn. Vậy chiếc xe này sẽ bị xử lý như thế nào?

Lời khai ban đầu của đối tượng cướp ngân hàng

Liên quan đến vụ cướp tiền tại chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Đình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng, vào chiều ngày 7/1, Công an TP Hải Phòng cho biết, các trinh sát đã bắt giữ được đối tượng gây ra vụ việc.

Theo đó, nghi phạm được xác định là Nguyễn Văn Nam (24 tuổi, trú tại huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) bị bắt vào khoảng 23h ngày 8/1 khi đang lẩn trốn tại tỉnh Thái Nguyên.

cuop-tiem-vang.jpg
Nguyễn Văn Nam (thứ 2 từ trái qua phải) bị bắt giữ khi đang lẩn trốn ở Thái Nguyên

Sau khi di lý nghi phạm về Hải Phòng, tại cơ quan điều tra, Nam khai nhận, bản thân làm nghề xăm hình nghệ thuật và thường xuyên di chuyển ở nhiều tỉnh thành, khu vực phía Bắc.

Trong thời gian dịch bệnh Covid -19 không có việc làm nên không có tiền tiêu xài, thanh niên này đã nảy sinh ý định mua súng và công cụ hỗ trợ khác để đi cướp tiền tại ngân hàng.

Khoảng 15h ngày 7/1, Nam đến phòng giao dịch Vietcombank Đình Vũ ngồi quan sát, khi thấy khách đến giao dịch ít nên đã tiến đến quầy giao dịch, rút súng giấu trong người ra đe dọa nhân viên, yêu cầu đưa tiền.

Để uy hiếp tinh thần giao dịch viên và bảo vệ, Nam nổ một phát súng cảnh cáo và thúc giục nhân viên khẩn trương cho tiền vào ba lô chuẩn bị sẵn bên người. Lấy tiền xong, Nam cướp thêm xe máy của nhân viên bảo vệ rồi phóng xe bỏ chạy.

Đến cầu vượt Tân Vũ - Lạch Huyện, Nam bỏ lại chiếc xe đã cướp và bắt xe ôtô dù đi về nhà ở xã Nghĩa Lộ để chôn một khoản tiền gần gốc đào trong vườn. Ngoài ra, Nam còn đưa một khoản tiền cho bạn gái Trần Thị Thu T. (22 tuổi, trú tại Hải Phòng) trước khi lên đường lẩn trốn.

Quá trình lẩn trốn, Nam đã dùng tiền cướp được lên Hà Nội để mua một xe môtô phân khối lớn mang nhãn hiệu Kawasaki ZX 10R 1.000cm3 đời 2021 với giá hơn 700 triệu đồng, di chuyển lên TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc rồi tiếp tục đến thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên thuê nhà nghỉ.

Khi đang nghỉ ở phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên thì Nam bị các trinh sát hình sự khống chế, tước vũ khí là khẩu súng bắn đạn chì giấu trong người và thu khoảng 800 triệu đồng mang theo bên mình. Khám xét khẩn cấp tại nhà ở xã Nghĩa Lộ, cảnh sát tiếp tục thu giữ 400 triệu đồng được chôn sau vườn.

Xử lý chiếc xe phân phối lớn như thế nào?

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong ngày 8/1, cửa hàng Kawasaki nơi Nguyễn Văn Nam mua chiếc xe môtô phân khối lớn mang nhãn hiệu Kawasaki ZX 10R 1.000cm3 đời 2021 đăng tải thông tin giới thiệu việc bán chiếc “siêu xe” kèm hình ảnh bàn giao xe cho thanh niên quê Hải Phòng lên trên mạng xã hội.

cuop-tiem-vang1.jpg
Sau khi cướp tiền tại ngân hàng, Nguyễn Văn Nam đã dùng một phần trong số tiền cướp được để xe môtô phân khối lớn mang nhãn hiệu Kawasaki ZX 10R 1.000cm3 đời 2021.

Nhiều người thắc mắc việc chiếc xe môtô phân khối lớn Kawasaki ZX mua từ tiền cướp ngân hàng được xử lý như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với chiếc xe máy phân khối lớn mà đối tượng này đã bỏ tiền ra mua thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ bên bán xe máy có biết tiền này là do phạm tội mà có hay không.

Nếu chủ cửa hàng biết số tiền này là số tiền do phạm tội mà có nhưng vẫn bán cho đối thượng thì chủ cửa hàng sẽ bị khởi tố hình sự về tội tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có. Trong trường hợp đối tượng mua xe không nói đây là số tiền do cướp ngân hàng và người bán xe cũng không biết đây là đối tượng vừa cướp ngân hàng thì giao dịch mua bán này có thể hợp pháp nếu thủ tục mua bán đã hoàn tất.

“Theo quy định của pháp luật, chiếc xe mô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bởi vậy việc mua bán phải có hợp đồng bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục thì giao dịch này chưa hợp pháp, bên bán xe có quyền yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng”, luật sư Cường cho biết.

Luật sư Cường phân tích, trường hợp hành vi mua bán là trái pháp luật do người bán biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có thì việc mua bán này cũng sẽ bị hủy bỏ kể cả trường hợp mua bán đã thành công. Còn nếu mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục, việc mua bán chưa được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì việc mua bán này bị hủy bỏ, các bên trả lại tài sản cho nhau để khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp việc mua bán đã hoàn thành, hai bên đã ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, đã đăng ký theo quy định pháp luật. Tại thời điểm mua bán bên bán không có nghĩa vụ phải biết và không thể biết được số tiền đó do phạm tội mà có thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật, bên bán được xác định là "người thứ ba ngay tình" theo quy định của bộ luật dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngày tình. Trong trường hợp này thì chiếc xe là tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có sẽ bị thu giữ, bị phát mãi để thu tiền trả lại cho bên bị hại. Còn số tiền bán xe trong hợp đồng được xác định là hợp pháp thì không có quyền đòi lại.

Từ những căn cứ trên, luật sư Cường cho rằng, việc mua bán chiếc xe mô tô Kawasaki ZX có hiệu lực pháp luật hay không, ý chí của các bên như thế nào là những yếu tố quan trọng để cơ quan tố tụng quyết định sẽ thu hồi số tiền hay thu giữ chiếc xe này để bán đi, hay trả lại cho cơ sở kinh doanh.

Đ. Việt