10 sự kiện nổi bật của TAND năm 2021
Tòa án - Ngày đăng : 12:28, 09/01/2022
Khép lại năm 2021 đầy biến động với những khó khăn, thách thức lớn không chỉ riêng Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đối với ngành Tòa án, đây cũng là một năm đáng nhớ với những sự kiện lớn, đồng hành cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, Tòa án đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, nhằm xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò, vị thế của Tòa án trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
1. Ban cán sự đảng TANDTC quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đẩy mạnh xây dựng chiến lược cải cách tư pháp mới trong TAND
Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban cán sự đảng TANDTC đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong TAND, Tòa án quân sự các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ban cán sự đảng TANDTC đã quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến toàn thể cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án. Hướng dẫn Tòa án các cấp hiện thực hóa Nghị quyết vào các mặt hoạt động của Tòa án. Xây dựng Chương trình hành động toàn khóa nhiệm kỳ 2021- 2026, trong đó xác định 25 nhiệm vụ, công tác lớn và phân công cụ thể cho các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. Ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động để Tòa án các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện theo đúng lộ trình.
Trong năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC để định hướng về xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cũng như tham gia xây dựng Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC về quản lý biên chế TAND giai đoạn 2016 - 2021 và đề xuất biên chế giai đoạn 2022- 2026 để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.
Ban cán sự đảng TANDTC đã đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiều vấn đề để đổi mới tổ chức bộ máy của TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới; đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án; xây dựng Tòa án điện tử nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống TAND.
2. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức; Chủ tịch nước trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC
Ngày 30/01/2021, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ngày 31/01/2021, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Nguyễn Hòa Bình được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Đây là vinh dự lớn đối với cá nhân đồng chí Nguyễn Hòa Bình, là niềm tự hào, niềm vui chung đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động hệ thống TAND. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống TAND có Chánh án TANDTC là Ủy viên Bộ Chính trị.
Ngày 9/4/2021, Bộ Chính trị tiếp tục phân công đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC, Đại biểu Quốc hội khóa XIV trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Ngày 26/7/2021, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2016- 2021 tiếp tục được Quốc hội bầu làm Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2021- 2026.
Trước Quốc hội và cử tri cả nước, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC thực hiện nghi thức Tuyên thệ nhậm chức: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và nhân dân cả nước, Tôi - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Phát biểu trước Quốc hội sau khi tuyên thệ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - trên cương vị là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, nguyện khắc ghi lời tuyên thệ trước Quốc hội, không ngừng rèn luyện và nêu gương; cùng tập thể lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán TANDTC phát huy truyền thống; đoàn kết một lòng; tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiên tiến.
Chánh án TANDTC quyết tâm: “Chăm lo xây dựng TAND trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của Tòa án; để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển; để Nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải; nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp”.
Năm 2021, nhằm kiện toàn Hội đồng Thẩm phán TANDTC, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã trao Quyết định bổ nhiệm 4 Thẩm phán TANDTC gồm: ông Ngô Tiến Hùng, Chánh văn phòng TANDTC; bà Đào Thị Minh Thủy, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội; ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng; ông Nguyễn Biên Thùy, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre giữ chức danh Thẩm phán TANDTC.
Phát biểu giao nhiệm vụ cho các Thẩm phán, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hội đồng Thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của Nhà nước, vì vậy các Thẩm phán TANDTC mới được bổ nhiệm phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử và kiến thức xã hội; giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị; làm tốt công tác tham gia xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn áp, hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; thực hiện tốt lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, thượng tôn pháp luật; phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.
3. Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến
Xuất phát từ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, TANDTC đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia và từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025. TANDTC và Bộ Thông tin- Truyền thông đã ký kết Chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử; xây dựng khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai đồng bộ các hoạt động tố tụng điện tử, trong đó có việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, việc duy trì hoạt động bình thường của Tòa án các cấp gặp rất nhiều khó khăn. Để kịp thời thích ứng với tình hình dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động xét xử, Ban cán sự đảng TANDTC đã xây dựng chủ trương tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến xin ý kiến Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Sau nhiều lần chỉnh lý và hoàn thiện, ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Để áp dụng thống nhất trong toàn quốc, TANDTC đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 và tổ chức Lễ ký kết Thông tư liên tịch giữa TANDTC với VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến". Việc áp dụng xét xử trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng nhằm đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn luật định; góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Toà án.
Ngay sau khi Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực thi hành, các Tòa án trên cả nước đã triển khai xét xử trực tuyến. Đặc biệt, ngày 08/01/2021, tại Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND đặt tại TANDTC, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, cùng các đồng chí Phó Chánh án TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và đại biểu đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương đã trực tiếp theo dõi, chứng kiến 3 phiên tòa trực tuyến kết nối TAND cấp cao tại Hà Nội với TAND tỉnh Lạng Sơn; phiên tòa tại TAND tỉnh Bắc Giang kết nối với bị cáo tại trại giam; phiên tòa tại TAND TP Hải Phòng kết nối với UBND cấp huyện…
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa; giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, phù hợp xu thế quốc tế và lộ trình xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam.
4. Hệ thống TAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao
Trong năm 2021, TAND, Tòa án quân sự các cấp đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm, chủ động trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá, sáng tạo để nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao cho. Các Tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%).
Song song với công tác chuyên môn, TANDTC đã tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án các cấp. Công tác phát triển án lệ được chú trọng đã góp phần khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, được các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng đón nhận, đánh giá cao. Đến nay, đã có hàng nghìn bản án áp dụng án lệ để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Tổ chức các Tòa án từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn theo hướng tinh gọn và chuyên sâu; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán tiếp tục đổi mới nhằm chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Tòa án. Đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của các cấp Tòa án liên tục được kiện toàn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ và được bố trí, sử dụng hợp lý. Tòa án các cấp cũng chú trọng công tác xây dựng Đảng và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; xây dựng đội ngũ Hội thẩm nhân dân đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác xét xử.
Năm 2021, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học để nghiên cứu, xây dựng cuốn sách “Lịch sử TAND Việt Nam” (giai đoạn năm 1945 đến năm 2020) khái quát toàn diện các giai đoạn lịch sử của đất nước và tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án trong quá trình xây dựng và phát triển. Lịch sử của Tòa án là một phần của lịch sử đất nước, khẳng định những cống hiến của Tòa án cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bộ lịch sử TAND là một công trình nghiên cứu khoa học, có ý nghĩa to lớn đối với nền tư pháp; góp phần khẳng định độc lập, chủ quyền quốc gia của một dân tộc không chỉ có nền văn hiến lâu đời, hệ thống chính quyền riêng biệt từ Trung ương đến cơ sở, mà còn có một nền tư pháp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
5. Tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng lớn được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao
Trong năm 2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát, quyết liệt hơn đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm với nguyên tắc: “tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra xử lý tiếp và không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”. Các vụ đại án về tham nhũng đều được xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2021, các Tòa án đã thụ lý sơ thẩm 2.880 vụ với 6.124 bị cáo; đã xét xử 2.263 vụ với 4.125 bị cáo phạm các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện đã gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm đều được xét xử kịp thời, nghiêm minh như: Vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án "Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ án xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan do bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cùng các đồng phạm thực hiện; vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) và 18 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn…
Việc xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế bảo đảm nghiêm minh, công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đạt hiệu quả hơn; góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
6. Triển khai thi hành có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Ngay sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành, TANDTC đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các Tòa án tổ chức thi hành. TANDTC đã ban hành 3 Thông tư, 1 Giải đáp và nhiều văn bản hướng dẫn; xuất bản cuốn Thông tin khoa học xét xử chuyên đề về hòa giải, đối thoại tại Tòa án… để giúp các Tòa án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức hòa giải, đối thoại.
Các Tòa án địa phương đã lựa chọn người đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm Hòa giải viên theo quy định của Luật để tập huấn, bồi dưỡng. Đến nay, các Tòa án đã bổ nhiệm được gần 3.000 Hòa giải viên; bố trí phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị.
Tính đến ngày 30/9/2021, các Tòa án nhận được 197.279 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại; trong đó, các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại là 28.004 vụ việc; đã hòa giải, đối thoại thành 13.279 vụ việc; số vụ việc còn lại đang tiếp tục được tổ chức hòa giải, đối thoại.
Những kết quả bước đầu thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã phát huy được tính ưu việt của chế định mới về hòa giải, đối thoại để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân... Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, bảo đảm hiệu lực thi hành thỏa thuận của các bên bằng quyền lực của Nhà nước đã góp phần giảm tải công việc và áp lực đối với Tòa án, tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
7. Đưa vào sử dụng “Trung tâm Tư liệu - Thư viện TAND”, “Trung tâm Giám sát và Điều hành TAND” và phần mềm “Trợ lý ảo”
Thực hiện cải cách tư pháp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án, TANDTC đang từng bước triển khai xây dựng Tòa án điện tử. TANDTC đã khánh thành, đưa vào sử dụng “Trung tâm Tư liệu - Thư viện TAND”, “Trung tâm Giám sát và Điều hành TAND” và ra mắt phần mềm “Trợ lý ảo”.
"Trung tâm Tư liệu - Thư viện TAND" là nơi cung cấp các thông tin, đầy đủ, kịp thời, chính xác nhất cho các Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và các mặt công tác khác của Tòa án.
“Trung tâm Giám sát và Điều hành TAND” là hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho lãnh đạo TANDTC theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động xét xử của các Tòa án trên cả nước.
“Trợ lý ảo” là hệ thống hỗ trợ cho Thẩm phán, là tổ hợp nhiều phần mềm ứng dụng liên kết với hệ thống tố tụng điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đóng vai trò như một thư ký riêng trợ giúp các Thẩm phán theo dõi, quản lý công việc.
Việc đưa vào sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”; “Trung tâm Giám sát và Điều hành TAND”, “Trung tâm Tư liệu - Thư viện TAND” giúp các Tòa án hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TANDTC sẽ kịp thời, toàn diện, là nền tảng quan trọng trong lộ trình xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025.
8. Hoàn thành xây dựng mới 35 trụ sở TAND cấp huyện; trang bị phương tiện ô tô cho các Tòa án
Năm 2021, TANDTC đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Đề án trang bị tài sản, phương tiện làm việc cho các Tòa án giai đoạn 2019-2023; đã hoàn thành Dự án xây dựng 35 trụ sở TAND cấp huyện chưa có trụ sở làm việc và tiến hành bàn giao, đưa vào sử dụng. Ngoài ra, TANDTC tăng cường các trang thiết bị làm việc khác như xe máy, bàn ghế hội trường xét xử, bàn ghế làm việc, tăng âm loa đài, máy vi tính, máy photocopy... đã giúp cho các Tòa án có điều kiện tốt hơn để phục vụ công tác. Việc đầu tư xây dựng mới trụ sở TANDTC, các TAND cấp tỉnh, cấp huyện và hiện đại hóa cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho các Tòa án đã tạo cho TAND, Tòa án quân sự các cấp một diện mạo bề thế, trang nghiêm, xứng tầm là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Ngoài ra, trong năm 2021, TANDTC cũng từng bước trang bị và bàn giao xe ô tô chuyên dụng cho các TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện để phục vụ công tác xét xử lưu động, hòa giải, thẩm định chứng cứ, phối hợp với các cơ quan trong hoạt động của Tòa án. Việc trang bị xe ô tô chuyên dụng cho Tòa án địa phương đã giúp cho các Thẩm phán, Thư ký tiết kiệm được nhiều thời gian, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
9. Hoạt động hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường
Bám sát vào định hướng, chủ trương lớn về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc độc lập về chủ quyền và định hướng XHCN, năm 2021, TANDTC tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực thực hiện chính sách đối ngoại theo phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá.
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TANDTC vẫn tích cực, chủ động tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao trong khuôn khổ các hiệp hội, diễn đàn trong lĩnh vực tư pháp quốc tế trên bình diện đa phương và song phương. TANDTC đã đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 bằng hình thức trực tuyến được lãnh đạo và Thẩm phán Tòa án tối cao các nước ASEAN đánh giá là thành công tốt đẹp, tổ chức công phu, nội dung phong phú và có nhiều sáng tạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC được Hội đồng Chánh án các nước ASEAN bầu làm Chủ tịch Hội đồng Chánh án các nước ASEAN nhiệm kỳ 2020 - 2021.
TANDTC cũng chủ động tham gia có nhiều sáng kiến trong các thiết chế tư pháp đa phương, song phương như: Hội đồng Chánh án Châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án ASEAN; tham gia Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến tại Indonesia; triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế (KOICA, JICA, UNDP…) theo đúng tiến độ. Phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức hội thảo, bồi dưỡng cho các Thẩm phán và cán bộ Tòa án các cấp về hoà giải đối thoại, kỹ năng viết bản án, áp dụng án lệ, kinh nghiệm tranh tụng, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam…
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của hệ thống TAND với Tòa án các nước trên thế giới, với các tổ chức, thiết chế khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực tư pháp đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới, nâng cao vị thế của Việt Nam và hệ thống TAND trên trường quốc tế.
10. Tòa án các cấp tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19; xét xử kịp thời các vụ án vi phạm về phòng, chống COVID-19
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TANDTC đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Tòa án cùng cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn các Tòa án giải quyết, xét xử kịp thời các vụ án hình sự liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các Tòa án đã thích ứng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương; đồng thời tích cực tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị. Năm 2021, các Tòa án đã thụ lý 144 vụ với 187 bị cáo và đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh 136 vụ với 177 bị cáo về các tội liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19; góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
TAND các cấp cũng đã tích cực tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện có ý nghĩa nhằm ủng hộ, chia sẻ, tri ân đối với các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, nhân dân vùng tâm dịch như: ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của Chính phủ số tiền 550.000.000 đồng để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. TANDTC đã hỗ trợ mỗi sinh viên của Học viện Tòa án số tiền 1 triệu đồng trong thời gian chống dịch; trao tặng các nhu yếu phẩm thiết yếu với tổng giá trị hơn 473.000.000 đồng để kịp thời chia sẻ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động TAND đang công tác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.
Ban nữ công TANDTC đã kêu gọi, đóng góp sức người, sức của để ủng hộ, hỗ trợ cho các tuyến đầu chống dịch và bà con khó khăn tại nhiều nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương; phối hợp với Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức phát động phong trào hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19.
Nhiều TAND địa phương và một số đơn vị của TANDTC đã vận động tiền, hàng hóa và phối hợp với Quân khu 7 tổ chức các phiên chợ 0 đồng, tặng hàng nghìn phần quà, hàng trăm máy tạo ôxy cho bệnh viên dã chiến, hàng nghìn bộ đồ bảo hộ cho các bệnh viện tuyến đầu phòng chống Covid-19 với giá trị hàng chục tỷ đồng. Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định tặng Bằng khen đối với 24 tập thể, trong đó Báo Công lý là đơn vị duy nhất ngoài lực lượng Quân đội được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.
Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của TAND trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyên môn, góp phần cùng cả nước chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh Covid-19.