Tổng tài sản BIDV đạt 1,72 triệu tỷ đồng, giữ vững vị thế lớn nhất tại Việt Nam
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 19:58, 07/01/2022
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Đồng chí Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các Vụ, Cục Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo chủ chốt trong toàn hệ thống BIDV tại hơn 200 điểm cầu trong và ngoài nước.
BIDV hoàn thành toàn diện, vượt trội các mục tiêu
Năm 2021, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên bằng sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần đoàn kết của toàn hệ thống, hoạt động của BIDV diễn ra an toàn, thông suốt; hoàn thành toàn diện, vượt trội các mục tiêu về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả, tăng cường năng lực tài chính và phát triển thể chế, bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của cổ đông và người lao động.
Bên cạnh đó, BIDV còn phát huy vai trò là Ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, chủ động, quyết liệt triển khai các các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19: chủ động giảm thu nhập trong năm hơn 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua giảm lãi suất cho vay, giảm phí, cơ cấu lại nợ, đưa ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi; tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng hành cùng các chương trình hỗ trợ giáo dục, an ninh quốc phòng...
Đến 31/12/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao:
- Tổng tài sản khối Ngân hàng thương mại đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với 2020, giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
- Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,61 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
- Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, dư nợ bán lẻ tăng 25% so với năm 2020, dư nợ SME và FDI tương ứng tăng 15% và 21%.
- Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020, đảm bảo mục tiêu NHNN giao năm 2021 (xtagstartz1,6%). Tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020.