Đại biểu đề nghị làm rõ kết quả nghiên cứu vắc xin

Chính trị - Ngày đăng : 13:16, 07/01/2022

Sáng nay 7/11, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
202201070841257273_cqh_6940.jpg

Chỉ nên cho phép chỉ định thầu một số gói đầu tư

Thảo luận trực tuyến, các đại biểu cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ góp phần khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn; phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

ĐBQH Nguyễn Đại Thắng - Hưng Yên cho rằng, đối với nhóm chính sách hỗ trợ lao động, việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội, cần triển khai, rà soát thực hiện đúng đối tượng, đúng tiêu chí tránh xảy ra sơ suất, nhầm, lọt đối tượng. Tăng cường giám sát, thanh kiểm tra, hướng dẫn nội bộ để không xảy ra sai sót, tiêu cực, trục lợi chính sách của chương trình.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược quan trọng có quy mô đủ lớn theo phạm vi chương trình, đại biểu tán thành quy định về việc cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về thực hiện dự án đầu tư là cần thiết.

Theo đó, chỉ cho phép chỉ định thầu với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ, gói thầu đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, gói thầu xây lắp, khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Nhưng phải có quy định chặt chẽ và có cơ chế gắn với trách nhiệm cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc chỉ định thầu đảm bảo nhà thầu phải có năng lực, có kinh nghiệm theo đúng các yêu cầu đặt ra.

Đại biểu cho rằng, việc phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn của UBND một số địa phương để thực hiện các đoạn, tuyến thuộc dự án đường cao tốc theo hình thức đầu tư công qua địa bàn là phù hợp để giảm áp lực cho Bộ GTVT trong tổ chức thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay ngay, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể. Cần có sự linh hoạt và kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ chi của của chương trình để phù hợp với từng giai đoạn triển khai, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn với tình hình.

Đề nghị làm rõ kết quả nghiên cứu Vắc xin

Đại biểu Nguyễn Văn Huy -Thái Bình nhận định: Tổng quy mô hỗ trợ của chương trình gồm hỗ trợ tài khóa là 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ của 46.000 tỷ đồng và hỗ trợ các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ triển khai. Với quy mô như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh nước ta. Tuy nhiên, mục tiêu của Chương trình nhằm đạt được tăng trưởng bình quân từ 6,5 - 7% trong giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Chính phủ cần làm rõ tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm là so với năm 2021, hay so với mục tiêu về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đã thông qua tại nghị quyết về phát triển kinh tế hàng năm.

Hai là về các nội dung của chính sách tài khóa, tiền tệ. Để giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải sống chung an toàn với dịch Covid- 19, chính sách tài khóa, tiền tệ tập trung vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế... để phòng và điều trị Covid-19. Việc có vaccine trong nước là trách nhiệm của Nhà nước và là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm an ninh y tế lâu dài. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải làm rõ kết quả nghiên cứu vaccine của nước ta đến thời điểm hiện nay ra sao. Khi nào thì đủ điều kiện để phê duyệt sản xuất cung ứng để tiêm chủng cho người dân?

Còn về về lâu dài việc ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng, được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách Nhà nước và duy trì trong giới hạn chấp nhận được trong một giai đoạn nhất định.

Do đó, đại biểu cho rằng, trước mắt cân nhắc, điều chỉnh, Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Nếu lạm phát tăng cao thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vòng xoáy vay nợ, lạm phát, lợi ích chương trình phục hồi sẽ bị suy giảm.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu cho rằng cần thiết, nhưng cần cơ chế để tránh tình trạng doanh nghiệp móc nối với ngân hàng hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp dược, doanh nghiệp sân sau và tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng để lấy phần trăm chênh lệch lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi hoặc là để đáo nợ như lo ngại của nhiều chuyên gia được các cơ quan báo chí đã nêu trước đây.

202201070845176220_cqh_7027.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Bắc Kạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Bắc Kạn cho rằng: Cuộc suy thoái kinh tế lần này mặc dù không phải là một cuộc suy thoái "kinh điển" mà do dịch bệnh gây ra và để lại những hậu quả rất nặng nề với nền kinh tế, trong đó có vấn đề lao động việc làm.

Theo đại biểu, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, để hồi phục và phát triển. Một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề lao động. Vừa qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách chưa từng có tiền lệ, có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Bởi vậy, đại biểu có 3 kiến nghị: Tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng cả với lao động chính thức và năng lực của khu vực phi chính thức; Dành khoản chi phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân, đi lại, tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.

Bình Nguyên