Những bất thường trong cuộc đấu giá lô tài sản công hơn 13 tỷ đồng do VNA tổ chức
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 07:29, 07/01/2022
Lô tài sản máy móc, thiết bị cũ, nhà xưởng không có nhu cầu sử dụng (31 hạng mục tài sản) của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (Công ty 100% vốn nhà nước) do Công ty đấu giá hợp danh VNA (Công ty VNA) tổ chức bán đấu giá.
Trước đó, Công ty VNA đăng thông báo bán đấu giá tài sản trên báo giấy đấu thầu lần đầu vào ngày 26/11/2021, lần thứ hai vào ngày 01/12/2021 và đăng trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản (dgts.moj.gov.vn): thông báo công khai lần một vào ngày 26/11/2021, đính chính lần một ngày 29/11/2021, thông báo công khai lần thứ hai vào ngày 01/12/2021.
Thế nhưng chỉ trong vòng 10 ngày (kể từ ngày thông báo công khai lần thứ hai), vào lúc 14 giờ ngày 11/12/2021 đã diễn ra cuộc đấu giá tại số 66 đường 19/5, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Đáng chú ý, mặc dù cuộc đấu giá này đã diễn ra qua hai vòng đấu giá thế nhưng giá khởi điểm và giá trúng đấu giá cũng là 13.766.978.000 đồng.
Tài sản đấu giá bao gồm cả bất động sản và tài sản, nhưng tổng thời gian Công ty VNA thông báo công khai lần thứ hai đến trước ngày tổ chức đấu giá chỉ có 10 ngày, ít hơn 5 ngày so với quy định đối với tài sản bán đấu giá là bất động sản.
Tại buổi đấu giá, với khối tài sản lớn nhưng chỉ có 3 khách hàng tham gia đấu giá, gồm có: Công ty Cổ phần Kỹ thuật cơ giới xây dựng Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long) (Mã số 01), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Phúc Huy (gọi tắt là Công ty Phúc Huy) với (Mã số 02) và ông Hoàng Trọng Cương (Mã số 03).
Theo đơn thư bạn đọc phản ánh, tại vòng 1, cả 3 khách hàng tham gia trả giá, với kết quả là hai phiếu trả giá bằng giá khởi điểm (13.766.978.000 đồng) và một phiếu thấp hơn giá khởi điểm (13.700.000.000 đồng). Đấu giá viên đã truất quyền tham gia đấu giá của ông Hoàng Trọng Cương với lý do phiếu trả giá không hợp lệ (giá ghi trong phiếu trả giá thấp hơn giá khởi điểm) và yêu cầu ông Cương ra khỏi phòng đấu.
Tiếp đó, tại vòng 2 có 2 khách hàng tham gia trả giá, với kết quả trả giá là 1 phiếu trả bằng giá khởi điểm (13.766.978.000 đồng), 1 phiếu trả giá dưới giá khởi điểm (13.746.978.000 đồng). Đấu giá viên đã truất quyền tham gia đấu giá của Công ty Phúc Huy do phiếu trả giá không hợp lệ (giá ghi trong phiếu trả giá thấp hơn giá khởi điểm) và yêu cầu ông Trịnh Thanh Hà – người đại diện của Công ty Phúc Huy ra khỏi phòng đấu.
Do không có ai tham gia trả giá tiếp nên đấu giá viên đã công bố Công ty Thăng Long - người trả giá cao nhất ở vòng 2 là người trúng đấu giá, với giá trúng bằng giá khởi điểm là 13.766.978.000 đồng (Mười ba tỷ bảy trăm sáu mươi sáu triệu chín trăm bảy mươi tám nghìn đồng).
Theo kết quả trả giá tại vòng 1, Công ty Phúc Huy và Công ty Thăng Long đều đưa ra mức giá ghi trong phiếu trả giá là 13.766.978.000 đồng nhưng Biên bản đấu giá tài sản lại ghi hai mức giá khác nhau (trong Biên bản đấu giá tài sản ghi nhận giá trả của Công ty Phúc Huy là 13.786.978.000 đồng và giá trả của Công ty Thăng Long là 13.766.978.000 đồng). Biên bản còn ghi giá trả cao nhất vòng 1 là 13.766.978.000 đồng.
Đồng thời, trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá, mặc dù đấu giá viên đã truất quyền tham gia đấu giá của ông Hoàng Trọng Cương tại vòng 1, và Công ty Phúc Huy tại vòng 2 nhưng Biên bản đấu giá đã không ghi nhận nội dung này. Ngoài ra, do đã truất quyền tham gia của ông Cương nên tại vòng 2 chỉ còn 2 khách hàng tham gia đấu giá tiếp nhưng biên bản lại ghi nhận có 3 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá tiếp vòng 2.
Không chỉ vậy, tại thời điểm Công ty VNA cung cấp hồ sơ đấu giá tài sản, bao gồm quy chế đấu giá cho người tham gia đấu giá thì lại không cung cấp bản dự thảo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, vi phạm chính quy định do mình ban hành, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia đấu giá.
Ngoài ra, việc Công ty VNA ban hành quy chế đấu giá tài sản đưa thêm trường hợp được truất quyền tham gia đấu giá của người đấu giá khi họ trả giá thấp hơn giá khởi điểm do người điều hành đã công bố là trái với Luật Đấu giá tài sản. Quy định này đã cản trở quyền được tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá, dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá, vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Đấu giá (Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá).
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Đấu giá tài sản 2016: “Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá”. Như vậy, với tài sản đấu giá là bất động sản, công ty tổ chức đấu giá phải thực hiện niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở công ty mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Thứ hai, tại khoản 3 Điều 57, Luật Đấu giá tài sản 2016: “Thời gian thông báo công khai lần thứ hai ít nhất là 7 ngày làm việc đối với tài sản là động sản, 15 ngày đối với tài sản là bất động sản trước ngày mở cuộc đấu giá”. Do đó, đối với tài sản là bất động sản, tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai lần thứ hai ít nhất 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Liên quan đến những nội dung này, để có thêm thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ Sở Tư pháp TP Hà Nội, Công ty VNA, đến nay vẫn đang chờ thông tin phản hồi.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.