Bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 16:56, 06/01/2022
Những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2021
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục được tăng cường. Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm giữa các ngành và các cấp; đẩy mạnh việc phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm về tuyến huyện, xã tại Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh; Đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính quyền cấp huyện, cấp xã tại Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 20/8/2021 của UBND tỉnh về đánh giá, xếp loại hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm luôn được chú trọng. Toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn 444 lớp cho 23.452 đối tượng; 19 cuộc hội thảo, hội nghị với 3.609 người tham gia; nói chuyện 581 buổi với 15.670 người tham dự; 108 bài trên báo viết; 2.986 bản tin; 11.603 lượt phát thanh, 88 phóng sự trên truyền hình; 2.084 băng rôn, khẩu hiệu; 1.250 tranh, áp phích; 123 đĩa hình, 1.645 đĩa âm; 130.050 tờ rơi; 1.620 tài liệu quản lý an toàn thực phẩm dành cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm; 200 sách hướng dẫn đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 10.332 cơ sở, trong đó có 9.276 cơ sở đạt (89,78%), 1.056 cơ sở vi phạm (10,22%) với tổng số tiền xử phạt 3.099.940.000 đồng; Giám sát 390 mẫu thực phẩm trong đó 365 mẫu đạt (93,6%), 25 mẫu không đạt (6,4%) và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện lớn tổ chức trên địa bàn tỉnh; Giám sát cơ sở cung cấp suất ăn phục vụ khu cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19... Năm 2021 chỉ ghi nhận 01 vụ ngộ độc có 05 người mắc, không có trường hợp tử vong (giảm 02 vụ và 12 người mắc so với năm 2020).
Nhiệm vụ trọng tâm trong dịp Tết Nguyên đán
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 34.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của 03 ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Tết Nguyên đán Nhân Dần 2022 đang đến gần. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, đặc biệt là các thực phẩm như thịt, cá, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các hạt có dầu, các chất phụ gia phục vụ chế biến món ăn... Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, bên cạnh việc gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, một số đối tượng đã lợi dụng để sản xuất, kinh doanh các thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã và đang kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trên cơ sở Kế hoạch số 2078/KH-BCĐTƯATTP ngày 15/12/2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 806/KH-UBND ngày 24/12/2021 bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và kéo dài, để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần thực hiện đầy đủ và song song hai nhiệm vụ là chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan chức năng trong phòng, chống Covid-19. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở. Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phấm.
Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển. Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay sạch và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay; đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng.
Có đủ thùng đựng rác thải và có nắp đậy. Đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, doanh trại các đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục, trường học có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống. Đối với người ăn uống, yêu cầu phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn bàn tay trước và sau khi ăn uống; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển trong khi ăn uống. Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Đối với kinh doanh thức ăn đường phố cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực phẩm, thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Đối với người tiêu dùng, trong quá trình chế biến thực phẩm thực hiện theo 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn, bao gồm: chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch.