Nhận diện thách thức của ngành ngân hàng năm 2022

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 10:58, 06/01/2022

Ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2022. Trong đó, diễn biến khó dự đoán của dịch bệnh là yếu tố chi phối mạnh nhất đến hoạt động kinh doanh của các nhà băng.

Năm 2021 có thể được xem là một năm khá thành công của ngành ngân hàng khi hầu hết các mục tiêu lớn đều đạt được. Trong đó, theo khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, thành công lớn nhất của ngành ngân hàng là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ổn định vĩ mô chính là điều kiện để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất và là nền tảng để phát triển các thị trường khác như thị trường chứng khoán.

ngan-hang-thach-thuc-1.jpg
Nợ xấu tiếp tục là thách thức lớn với ngành ngân hàng trong năm 2022. Ảnh: Dũng Minh

Bước sang năm 2022, dù những yếu tố hỗ trợ vẫn còn nhiều, tăng trưởng tín dụng được dự báo vẫn sẽ tích cực nhưng theo các chuyên gia một số gián đoạn có thể xảy ra.

Cụ thể, tại báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, đại dịch bùng phát cuối năm 2021 phần nào nằm ngoài dự đoán số đông khiến kế hoạch trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng bị điều chỉnh đáng kể, chứng tỏ yếu tố không chắc chắn của COVID-19

Diễn biến của đại dịch là không chắc chắn, có nghĩa là nợ xấu hình thành được dự báo với độ tin cậy chưa được xác định. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu hình thành là hậu quả của cú sốc, trong trường hợp đại dịch kết thúc, sẽ vẫn bất định ngay cả khi tham chiếu các cuộc khủng hoảng trước đó.

Hiện, nợ xấu nội bảng năm 2021 của ngành ngân hàng vẫn dưới 2% nhưng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, thì tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2%, tăng vọt so với cuối năm 2020 là 5,08%.

Ngoài ra, việc cho phép cơ cấu nợ của NHNN giúp ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, song cũng phần nào làm lệch lạc kỳ hạn khoản vay. Rất nhiều khoản vay từ ngắn hạn, nếu tính cả thời gian cơ cấu đã biến thành nợ trung hạn. Tương tự, có khoản vay trung hạn đã biến thành dài hạn.

“Tình trạng này nếu kéo quá dài sẽ không có lợi cho an toàn hệ thống, gây ra rủi ro kỳ hạn. Tuy nhiên, nếu thời gian tới, dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thì NHNN vẫn phải cân nhắc có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Về lâu dài, nền kinh tế phải giảm dần sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn vào ngân hàng và thay vào đó, phải dựa vào thị trường vốn, như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Bên cạnh đó, theo VDSC, khi toàn ngành ở trong cuộc đua công nghệ vốn đòi hỏi đầu tư và nghiên cứu sâu, tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập (CIR) sẽ tạm thời tăng lên. Trái ngược với kỳ vọng năm ngoái về việc CIR sẽ trở thành yếu tố tăng trưởng năm 2021, VDSC cho rằng CIR sẽ tác động tiêu cực tại một số ngân hàng năm 2022 trong giai đoạn bình thường hóa.

Rủi ro tiếp theo mà ngành ngân hàng có thể phải đối mặt trong năm 2022 là hiệu ứng tiền gửi đột biến giảm dần. Chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động từ năm 2020 chỉ có thể đáp ứng tăng trưởng trong 1 -1,5 năm, do vậy sẽ xuất hiện áp lực lên các tỷ lệ thanh khoản từ nửa cuối năm 2022.

ngan-hang-thach-thuc-2.png

Cụ thể, đại dịch dẫn đến việc tái phân bổ giữa các kỳ hạn gửi tiền và tiền gửi ngắn hạn tăng mạnh, đặc biệt là không kỳ hạn. Khi lãi suất bình thường hóa, chuyển dịch ngược chiều từ các kỳ hạn ngắn sang các kỳ hạn dài hơn có thể gây rủi ro và phát sinh chi phí.

Năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế. Quan điểm của NHNN hiện nay là nắn dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng rủi ro, thậm chí đẩy mạnh thanh, kiểm tra một số ngân hàng về hoạt động này.

Tuy vậy, trên thực tế, bất chấp sự kiểm soát của NHNN, năm 2021, một lượng không nhỏ dòng tiền ào ạt chảy vào chứng khoán, bất động sản. Chính vì vậy, tiếp tục nắn dòng tín dụng bất động sản vẫn tiếp tục là một trong những áp lực lớn nhất của NHNN trong thời gian tới.

Trang Nhi