Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 14:27, 05/01/2022

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% cho thấy tín hiệu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến 28/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,97% so với cuối năm 2020 và dự kiến tính đến hết năm con số này sẽ gần 14%. Với con số này, tương đương khoảng 1,19 triệu tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong năm 2021.

Tín dụng tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, nông thôn (tăng 10,21%) so với năm 2020 và chiếm 25,11% tổng dư nợ nền kinh tế; lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,45%; xuất khẩu tăng 7,81%; công nghiệp hỗ trợ tăng 20,86%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 24,86%.

tin-dung-1.jpg
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%.

Năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra ở mức 14% - tương đương với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra trước dịch COVID (cho năm 2019 và 2020). Con số này cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi tín dụng cũng như tín hiệu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong thông báo mới nhất của Chính phủ về Gói phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, chính sách tiền tệ sẽ tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%- 1% trong 2 năm.

Trước đó, tính đến hết tháng 11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 10,7% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm 29/10 chỉ đạt 8,72%.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã tiếp tục tăng mạnh trong tháng cuối cùng của năm 2021, trong vòng một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,27 điểm %.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước trong đầu quý 4 đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1%-6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Theo giới phân tích, điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều ngân hàng thương mại đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.

Để đạt được kết quả này, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông và tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Trang Nhi