Thương mại Việt – Mỹ đạt kỷ lục mới
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 12:15, 03/01/2022
Trong quan hệ thương mại Việt Mỹ, hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt được những thành tựu khá ấn tượng, góp phần thúc đẩy cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương. Dù dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của nhiều quốc gia. Gây nên tình trạng đứt gẫy các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tình trạng nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất như trước đây.
Trong năm 2021, xuất khẩu thương mại 2 chiều Việt Nam – Mỹ và Mỹ - Việt Nam đều đạt được mức tăng trưởng dương đây cũng là lần đầu tiên nước ta cán đích mốc kỷ lục 100 tỷ USD. Giờ đây, Mỹ đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Cả hai nước đều rõ ràng nhận thấy là hai bên cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ về thương mại, về đầu tư. Không chỉ về thương mại, đầu tư, quan hệ hai nước còn vì các vấn đề mang tính thách thức toàn cầu như phòng chống COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải. Các vấn đề toàn cầu này sẽ tác động tích cực trở lại với quan hệ thương mại, đầu tư”, ông Nirav Patel, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập The Asia Group, Mỹ, cho biết.
Kết quả này, càng trở nên có ý nghĩa hơn, khi vào đầu năm 2021, thương mại hai nước bị phủ bóng bởi Mỹ khởi xướng điều tra về chính sách kiểm soát ngoại hối và về nguồn gốc xuất xứ gỗ. Các cơ quan hữu quan của hai bên đã phối hợp tốt, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, và sau khi kết thúc 2 cuộc điều tra này, phía Mỹ đã không áp đặt thuế quan.
“Chúng tôi thường xuyên khuyến nghị với các doanh nghiệp là bám sát các quy định về kiểm soát xuất xứ, các quy định về lưu trữ, truy xuất nguồn gốc, thông tin và đặc biệt là khi xảy ra các yêu cầu về điều tra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Mỹ và Việt Nam, đảm bảo làm sao phía Mỹ có được thông tin đầy đủ, khách quan và đưa ra được các kết luận công bằng nhất, bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp của chúng ta”, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho hay.
Thương mại phát triển cũng có nghĩa là các cuộc điều tra, phòng vệ, cả theo đề nghị đơn phương của doanh nghiệp Mỹ, cả theo khuôn khổ của WTO, cũng sẽ gia tăng. Nếu có được sự chuẩn bị tốt, bài bản, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiêu thụ được nhiều hàng hơn nữa tại thị trường này.
Trong năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô” tăng 1 mặt hàng so với năm 2020, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 02 mặt hàng so với năm 2020.
Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế”.