Xuất khẩu gỗ đạt xác lập kỷ lục mới, bất chấp dịch COVID-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 15:08, 31/12/2021

Năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020. Đây là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD cả nước.

Tại hội nghị trực tuyến "Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022" do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức chiều 28/12, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết năm 2021, các chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01% tương ứng tăng khoảng 3.300 ha so với năm 2020. Chỉ tính riêng thu dịch vụ môi trường rừng, năm 2021, ngành lâm nghiệp đạt 3.115 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch thu năm 2021, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.

go-va-lam-san.jpg
Gỗ và lâm sản là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của cả nước

Đặc biệt "nhiều năm gần đây, lâm nghiệp luôn dẫn đầu ngành NN&PTNT về thặng dư thương mại, hàng năm đạt mức xuất siêu với giá trị cao trên 10 tỷ USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ năm 2019 đã đạt trên 10 tỷ USD và tăng mạnh ở các năm sau đó. Tính đến hết tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng nông lâm thủy sản và là một trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong năm 2021"- ông Bùi Chính Nghĩa nói.

Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và các loại lâm sản của nước đạt tới 15,87 tỷ USD, vượt 20% kế hoạch đề ra và tăng 20% so với năm 2020. Mức xuất siêu là 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2020, tiếp tục xác lập nên kỷ lục mới, đưa Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Cả nước sẽ trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán; khai thác 31,5 triệu m3 gỗ. Ngành đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.000 tỷ đồng.

Để thực hiện những mục tiêu trên, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề ra 10 nhóm giải pháp; trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm. Tổng cục tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.

Ngành lâm nghiệp tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tăng cường quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.


Trang Nhi