Ông Lê Quốc Minh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI với 100% phiếu bầu
Chính trị - Ngày đăng : 12:09, 31/12/2021
Sáng nay (31/12), tại phiên chính thức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố kết quả bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và các chức danh Lãnh đạo Hội khóa XI.
Theo đó, ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội khóa XI với số phiếu 100%.
Ông Lê Quốc Minh 52 tuổi, quê quán tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông bắt đầu sự nghiệp báo chí ở vị trí biên tập viên Ban Biên tập Tin Thế giới của Thông tấn xã Việt Nam từ năm 1990.
Ngày 17/11/2017, ông được Thủ tướng bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Sau đó, Bộ Chính trị điều động, phân công ông giữ chức Tổng Biên tập Báo Nhân dân kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tung ương.
Chiều 26/10, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã họp bỏ phiếu bầu ông Lê Quốc Minh làm Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Trước đó, với cương vị là người lãnh đạo hội ông Lê Quốc Minh đã có những chia sẻ những công việc trọng tâm cần triển khai sau Đại hội để báo chí tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, đóng góp xứng đáng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Cho rằng, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam, ông Lê Quốc Minh đưa ra những nội dung cần tập trung:
Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng nêu bật những thành tựu của đất nước, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thứ hai, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức đợt sinh hoạt học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội nhà báo Việt Nam, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh toàn diện từ Trung ương đến địa phương, thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kiện toàn tổ chức Hội sau khi thực hiện quy hoạch báo chí theo hướng giảm bớt đầu mối tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên số; đào tạo ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí; đặc biệt chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, hội viên.
Thứ tư, các cấp Hội Nhà báo phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham gia hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, đảm bảo báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, xây dựng môi trường báo chí lành mạnh, hiệu quả. Tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí và đội ngũ người làm báo.
Thứ năm, tích cực bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên. Phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi cản trở, đe doạ, xúc phạm, hành hung các nhà báo, hội viên hoạt động đúng pháp luật. Các cấp hội phối hợp chặt chẽ với các cấp có trách nhiệm và cơ quan báo chí làm tốt công tác tư tưởng, đặc biệt quan tâm đến việc làm, hoạt động nghề nghiệp, đời sống của số người làm báo chịu tác động do thực hiện quy hoạch báo chí, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ người làm báo.
Thứ sáu, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ hội từ trung ương đến các cơ sở. Làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp hội, có cơ chế đặc thù để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, quản lý làm công tác hội; tiếp tục củng cố, xây dưng tổ chức Cơ quan Trung ương hội, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đủ năng lực tham mưu, giúp việc có hiệu quả cho Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành hội.
Thứ bảy, tích cực mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế của Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua đó góp phần tích cực thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ tám, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong sinh hoạt hội; tăng cường các hoạt động xã hội-từ thiện, nêu cao tinh thần nhân văn của người làm báo cách mạng, tạo sự lan tỏa tốt đẹp trong xã hội.
Thứ chín, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chính sách kinh tế báo chí. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan báo chí xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính, các mô hình kinh tế báo chí. Khuyến khích các cấp hội tích cực, chủ động tìm nguồn lực xã hội, trong đó có việc xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình đặt hàng sản phẩm báo chí và tìm các nguồn thu để duy trì và phát triển hoạt động hội.
Đại hội cũng bầu các ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN và ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.
Chức danh Trưởng ban Kiểm tra sẽ được bổ sung sau đại hội.
Danh sách 12 ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI
Ông Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân
Ông Trương Văn Chuyển, Tổng biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ
Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam
Ông Phạm Quang Khải, Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân
Ông Nguyễn Đức Lợi, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân
Ông Nguyễn Đức Nam, Tổng biên tập Báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng
Ông Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
Bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam