Tin vắn thế giới ngày 29/12: 1/10 trẻ em Mỹ mắc COVID-19

Chuyển động - Ngày đăng : 07:39, 29/12/2021

1/10 trẻ em Mỹ mắc COVID-19; Israel cảnh báo sắp xảy ra đợt lây nhiễm“chưa từng có; Hàn Quốc xúc tiến bảo tồn dữ liệu về COVID-19 trong “viên nang thời gian”… là tin tức thế giới đáng chú ý.

1/10 trẻ em Mỹ mắc COVID-19

Theo báo cáo mới nhất của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện Nhi, nước Mỹ đã có trên 7,5 triệu trẻ em dương tính với COVID-19, chiếm 10% tổng số trẻ em ở nước này.

Cụ thể báo cáo cho biết, tính đến hết ngày 23/12, Mỹ có 7.565.416 trẻ em mắc COVID-19, chiếm 17,4 tổng số ca mắc của cả nước. Trung bình cứ 100.000 em thì có 10.052 em mắc bệnh, một tỷ lệ được báo cáo đánh giá là “rất cao và đang ngày càng gia tăng”.

coronavirus-test-child-ew-419p.jpg
Ảnh minh họa

Israel cảnh báo sắp xảy ra đợt lây nhiễm“chưa từng có

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 28/12 cảnh báo quốc gia Trung Đông này đang tiến gần tới một làn sóng lây nhiễm COVID-19 “chưa từng có” do biến thể Omicron gây ra.

Phát biểu trên đài phát thanh Kan Bet, ông Bennett nói: “Chúng ta đã tiến rất gần một cơn bão lây nhiễm. Nó sẽ xảy ra và chúng ta không thể ngăn chặn”.

WHO cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải do biến thể Omicron

Ngày 28/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng biến thể Omicron có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải cho dù những nghiên cứu trước đây cho rằng biến thể mới này có thể gây ra các ca mắc COVID-19 ở thể nhẹ hơn.

Bà Catherine Smallwood - cán bộ cấp cao thuộc Văn phòng WHO khu vực châu Âu cũng nhấn mạnh tình trạng này sẽ gây ra sự gián đoạn trên diện rộng trong hệ thống y tế cũng như các dịch vụ quan trọng khác.

Nhật Bản xem xét tiêm mũi tăng cường cho toàn dân

Ngày 28/12, trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh chính phủ sẽ đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp phòng dịch để người dân có thể cảm thấy an toàn khi vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron. Trong tuyên bố, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh ngoài 31 triệu nhân viên y tế và người lớn tuổi, chính phủ sẽ xem xét tiêm mũi thứ ba cho nhiều người nhất có thể.

Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc viên Molnupiravir và 2 loại vaccine

Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc viên Molnupiravir của hãng dược Merck để điều trị bệnh COVID-19 cùng 2 loại vaccine Covovax và Corbevax lần lượt của Viện Serum và hãng Biological E.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết 13 công ty của nước này được cấp phép sản xuất thuốc viên Molnupiravir dùng trong điều trị người trưởng thành mắc COVID-19.

Đức mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid điều trị COVID-19

Phát biểu trước báo giới ngày 28/12, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết chính phủ nước này đã quyết định mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid từ hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Theo Bộ trưởng Karl Lauterbach, Paxlovid rất được kỳ vọng vì khi được sử dụng sớm, thuốc này có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng do virus gây ra. Với loại thuốc này, Bộ Y tế Đức hy vọng sẽ có thể ngăn ngừa nhiều ca bệnh nặng do COVID-19.

Chuyên gia Ấn Độ khuyến nghị sử dụng thuốc viên của Merck

Ngày 28/12, Ủy ban Chuyên gia quản lý dược phẩm Ấn Độ khuyến nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho thuốc viên molnupiravir của hãng Merck & Co Inc và cấp phép cho hai loại vaccine, gồm vaccine Covovax của Viện Huyết thanh Ấn Đội (SII) và vaccine Corbevax của công ty Biological E.

Malaysia rút ngắn thời gian giãn cách tiêm mũi vaccine tăng cường

Bộ Y tế Malaysia ngày 28/12 đã quyết định rút ngắn thời gian giãn cách tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.

Hàn Quốc xúc tiến bảo tồn dữ liệu về COVID-19 trong 'viên nang thời gian'

Theo đài KBS, ngày 28/12, Ủy ban Cách mạng công nghiệp 4.0 trực tiếp dưới quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiến hành phiên họp toàn thể, thông qua "Kế hoạch xúc tiến 'Viên nang thời gian' (Time capsule) về dịch COVID-19".

Ủy ban quyết định sẽ bảo quản dữ liệu về toàn bộ quá trình đối phó với đại dịch COVID-19, như phân tích sự lây lan của dịch bệnh, chi trả tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân, phổ cập khẩu trang, tiêm chủng vaccine, để có thể sử dụng dữ liệu này nếu tình huống khủng hoảng tương tự xảy ra trong tương lai.

han-quoc-291221.jpg
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc.

Lào nghiêm cấm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch 2022 tại thủ đô Viêng Chăn

Cơ quan chuyên trách phòng chống COVID - 19 của thủ đô Viêng Chăn (Lào) vừa ra thông báo yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm phục vụ các loại đồ uống có cồn tại các nhà hàng và các tụ điểm giải trí khác, đồng thời nghiêm cấm việc tổ chức tụ tập, tiệc tùng dưới mọi hình thức để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch 2022 sắp tới.

Tránh lây lan Omicron, Pháp cho người lao động làm việc ở nhà 1/2 tuần

Từ tháng 1/2022, Pháp sẽ bắt buộc người dân làm việc tại nhà từ 3 - 4 ngày mỗi tuần để kiểm soát tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.

Thủ tướng Jean Castex ngày 27/12 cho hay người lao động có quyền vắng mặt tại văn phòng làm việc tối thiểu ba ngày/tuần hoặc bốn ngày/tuần nếu chủ doanh nghiệp đồng ý, nhằm giúp giảm bớt các tiếp xúc xã hội. Ông Castex tuyên bố biện pháp trên - dự kiến đi vào hiệu lực ngày 3/1/2022 và kéo dài ba tuần lễ.

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại với 8 quốc gia Nam Phi

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/12 thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh lần đầu tiên được áp dụng đối với 8 quốc gia miền Nam châu Phi sau khi khu vực này xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-COV-2. Quyết định này sẽ có hiệu lực vào lúc 12h01 sáng 31/12 theo giờ bờ Đông của Mỹ.

Malaysia dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với 8 nước châu Phi

Ngày 28/12, Bộ trưởng Y tế Malaysia, ông Khairy Jamaluddin cho biết nước này sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 8 nước châu Phi - những nơi đầu tiên thông báo ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Nga chuẩn bị ứng phó với diễn biến xấu sau kỳ nghỉ Năm mới

Cục trưởng Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga – Rospotrebnadzor, bà Anna Popova ngày 28/12 cảnh báo sau kỳ nghỉ Năm mới, tình hình đại dịch COVID-19 ở Nga có thể xấu đi và điều này đòi hỏi sự chuẩn bị sẵn sàng ở tất cả các cấp của hệ thống y tế.

Hong Kong siết chặt quy định cách ly với phi hành đoàn

Ngày 28/12, giới chức y tế Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo siết chặt các quy định cách ly với các thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay vận chuyển hàng hóa để giảm thiểu nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Thủ đô Ấn Độ tái áp đặt nhiều biện pháp hạn chế

Cơ quan quản lý thảm họa Delhi ngày 28/12 cho biết thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã áp dụng mức báo động màu vàng, theo đó sẽ kích hoạt lệnh giới nghiêm ban đêm đối với hoạt động di chuyển của người từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng.

Bên cạnh đó, thủ đô New Delhi sẽ đóng cửa các trường học, nhà hát, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và công viên giải trí, cũng như cấm tụ tập nơi công cộng và giới hạn số lượng người dự đám cưới, đám tang xuống còn 20 người. Ngoài ra, các văn phòng tư nhân, nhà hàng, quán bar, tàu điện ngầm chỉ được hoạt động với 50% công suất. Các cửa hàng và trung tâm thương mại được hoạt động từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối theo ngày chẵn lẻ.

Pháp thưởng thêm hàng tháng cho các y tá khoa chăm sóc tích cực

Ngày 28/12, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết kể từ tháng 1/2022, nước này sẽ thưởng 100 euro (hơn 110 USD) mỗi tháng cho các y tá làm việc tại các khoa chăm sóc tích cực (ICU) trong bệnh viện trong nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ nhân viên y tế vốn đã kiệt sức trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19.

Nga khẳng định đã sẵn sàng hội đàm an ninh với Mỹ, NATO

Hãng thông tấn RIA đưa tin Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/12 xác nhận Moskva đã lên kế hoạch thảo luận những yêu cầu an ninh của nước này với Washington vào ngày 10/1.

Nhật – Trung nhất trí mở đường dây nóng quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 27/12 thông báo đã nhất trí với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hoàng về việc bắt đầu mở đường dây nóng quân sự giữa hai nước trong năm 2022.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp trực tuyến với ông Ngụy Phượng Hoàng, Bộ trưởng Kishi cho biết, đường dây nóng này sẽ tăng cường hiệu quả của cơ chế liên lạc mà 2 nước đã đưa ra năm 2018 nhằm tránh các va chạm trên biển và trên không.

Trung Quốc theo đuổi tự lực về công nghệ

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết đơn vị chuyên về vi mạch của Alibaba là T-Head vào tháng 10 đã tiết lộ bộ xử lý thứ ba tự sản xuất có tên Yitian 710. Alibaba không có kế hoạch bán Yitian 710 cho bên ngoài. Một số công ty lớn khác của Trung Quốc cũng chập chững bước vào phát triển vi mạch là Tencent và Xiaomi.

Vi mạch là một ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh để chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác mà Trung Quốc coi là đối thủ tiềm năng về kinh tế và chiến lược.

281221-vimach.jpg
Vi mạch Yitian 710 được trưng bày trong một diễn đàn công nghệ tại tỉnh Chiết Giang vào tháng 10.

Lạm phát đe dọa phục hồi kinh tế khu vực đồng euro

Theo các chuyên gia kinh tế, phục hồi kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ suy giảm nếu lạm phát liên tục tăng cao, khiến thu nhập người tiêu dùng giảm và buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kết thúc các biện pháp kích thích sớm hơn kế hoạch.

Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Copenhagen, Jesper Rangvid, cho rằng lạm phát sẽ “ăn” vào tiền lương khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi ECB có thể phải tăng lãi suất để đối phó với rủi ro lạm phát.

Khảo sát: Trong thời kỳ dịch COVID-19, người Bỉ hút thuốc lá nhiều hơn

Kết quả điều tra mới nhất của Tổ chức chống ung thư công bố ngày 28/12 cho thấy, cuộc khủng hoảng sức khỏe đã làm trầm trọng thêm việc tiêu thụ thuốc lá của người dân Bỉ.

Tổ chức này cho rằng có một nguy cơ thực sự là hành vi hút thuốc sẽ tiếp tục, đồng thời kêu gọi chính quyền các cấp ở Bỉ áp dụng nguyên tắc đối ngành công nghiệp thuốc lá là "người gây ô nhiễm phải trả tiền".

Israel tiếp tục không kích cảng Latakia của Syria

Ngày 28/12, truyền thông nhà nước Syria đưa tin Israel đã tấn công tên lửa vào nước này gây hỏa hoạn tại khu vực container chứa hàng của cảng Latakia. Đây là vụ tấn công thứ 2 của Israel nhằm vào Syria trong tháng 12 này và vụ việc đã làm hư hại mặt tiền của một bệnh viện, một số nhà dân và cửa hàng.

Indonesia dỡ lệnh cấm bay với Boeing 737 MAX

Tổng cục trưởng Hàng không dân dụng Indonesia Novie Riyanto xác nhận giới chức quản lý cho phép dỡ bỏ lệnh cấm với tất cả máy bay Boeing 737 MAX do các hãng hàng không trong nước vận hành. Các hãng hàng không Indonesia phải đảm bảo các phi công đều đã tham gia các khóa đào tạo mô phỏng bổ sung trước khi điều khiển máy bay Boeing 737 MAX.

Vài tháng trước, dòng máy bay này đã được cấp phép bay trở lại tại Mỹ, châu Âu và mới đây là Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Ethiopia.

Sập mỏ vàng tại Sudan, ít nhất 31 thợ mỏ thiệt mạng

Ngày 28/12, giới chức Sudan cho hay ít nhất 31 thợ mỏ đã thiệt mạng và 8 người khác mất tích trong một vụ sập mỏ vàng tại nước này.

Người đứng đầu Công ty tài nguyên khoáng sản Khaled Dahwa cho hay vụ sập mỏ vàng đã khiến 31 thợ mỏ thiệt mạng và 8 người mất tích. Hiện mới chỉ xác nhận một người sống sót.

Tai nạn máy bay hạng nhẹ tại California, không có người sống sót

Tối 27/12 (giờ địa phương) đã xảy ra vụ rơi máy bay hạng nhẹ ở khu vực phía Nam bang California. Hiện chưa rõ số người có mặt trên chiếc máy bay xấu số này, tuy nhiên thông tin ban đầu cho biết không có người sống sót trong vụ tai nạn này.

Mỹ: Một đối tượng xả súng tại nhiều địa điểm khiến 4 người thiệt mạng

Cảnh sát Mỹ thông báo ngày 27/12 (giờ địa phương), một đối tượng nam đã xả súng tại nhiều địa điểm khác nhau ở bang Colorado, khiến 4 người thiệt mạng và 3 người bị thương trước khi bị cảnh sát bắn hạ.

Rò rỉ khí gas ở Pakistan làm 6 người thiệt mạng

Truyền thông địa phương ngày 28/12 đưa tin 6 người đã thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em, trong vụ rò rỉ khí gas tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, phía Tây Bắc Pakistan.

Bạch Dương