Cho vay nặng lãi bị xử lý như thế nào?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 11:00, 27/12/2021
Hỏi: Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi được biết, thời gian vừa qua, công an các tỉnh thành đã triệt phá hàng loạt đường dây cho vay nặng lãi cao. Xin hỏi hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự bị xử lý như thế nào?
Dương Thế Nam
Trả lời: Hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định của pháp luật thì pháp luật cho phép cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch vay tài sản theo quy định của bộ luật dân sự.
Đối với những tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính cho vay thì phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Bộ luật dân sự quy định vay tài sản (vay tiền) là quan hệ dân sự, các bên giao dịch trên cơ sở tự nguyện, hai bên có quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không được quá 20% một năm. Trường hợp thỏa thuận lãi suất vượt quá mức quy định nêu trên thì pháp luật không thừa nhận và còn có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý.
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định : Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Như vậy, trong mọi trường hợp lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là 1,666%/tháng.
Đối với các tổ chức tín dụng được thành lập hợp pháp thì ngoài việc tuân thủ các quy định của bộ luật dân sự, các tổ chức này còn phải tuân thủ các quy định của luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng:
"1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao."
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, mức lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.
Trường hợp cho vay tiền mà lãi suất vượt quá 5 lần mức nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.".