Ngành dệt may nỗ lực vượt COVID, “hái quả ngọt” trong bình thường mới
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 10:51, 27/12/2021
Thích nghi với “bình thường mới”, cán đích thành công
Trong năm 2021 và nhất là thời gian cao điểm dịch COVID-19 lần thứ 4, các DN ngành dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị đứt gãy, nhiều nhà máy tại khu vực phía Nam phải đóng cửa. Tuy nhiên tình hình này đã chấm dứt khi sang tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì sản xuất của doanh nghiệp mới bắt đầu hồi phục, đã có thể “trả nợ” các đơn hàng.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), việc sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục vào cuối năm 2021 đã giúp ngành dệt may đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tương đương với năm 2019. Trong đó, hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ, tăng trên 49% chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc...
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và rất khó đoán định được tương lai, muốn tồn tại, bản thân các doanh nghiệp dệt may phải có những phương án riêng, phù hợp với đặc tính ngành nghề, nhằm thích nghi với đại dịch.
Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Trong giai đoạn đại dịch bùng phát căng thẳng nhất, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may bị tác động rất lớn.
“Với doanh nghiệp may có quy mô nhà xưởng khoảng trên 1.000 lao động, tới 10.000 lao động có nguy cơ lây nhiễm rất cao trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn chống dịch, các nhà xưởng sẽ hạn chế số lượng lao động làm việc, điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện đơn hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp may phải trả thêm phí hỗ trợ người lao động. Tất cả những yếu tố này đều tạo ra áp lực cho doanh nghiệp”, ông Đức Anh nói.
Trước những tác động của đại dịch, Vinatex đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm, trong việc sản xuất an toàn, thích ứng với dịch bệnh. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là việc phải làm mọi cách để giữ vững tinh thần của người lao động.
Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương từ lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn đến doanh nghiệp thành viên thông qua hình thức tuyên truyền sáng tạo như qua kênh phát thanh của công đoàn, phổ biến trong chào cờ, trong giờ nghỉ tại từng phân xưởng sản xuất.
“Nhờ đó, nhìn chung giữ được tinh thần tốt cho người lao động, làm việc vất vả hơn nhưng lại có năng suất cao hơn, kỷ luật lao động tốt hơn, gắn bó hơn với doanh nghiệp, tỷ lệ nghỉ việc 6 tháng đầu năm thấp hơn bình quân các năm trên 30%. Đây chính là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện thành công mục tiêu kép, trong đó chống dịch lúc này đang là mục tiêu ưu tiên”, đại diện Vinatex nói.
Khát vọng khẳng định vị thế
Dự báo trong năm 2022 tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, dịch COVID-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều. Trong nước, kinh nghiệm và năng lực cũng như khả năng ứng phó dịch bệnh vẫn tiếp tục được nâng lên.
Trước những thách thức cùng những khó khăn trước mắt, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2022. Cụ thể, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quý I năm 2022, kịch bản tích cực nhất kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 41,5 - 42,5 tỷ USD; kịch bản trung bình xuất khẩu đạt 40-41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm 2022; kịch bản kém tích cực nhất là khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến sẽ chỉ đạt 38-39 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản trên, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chiến lược vaccine, đây được coi là giải pháp căn cơ để các DN phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới. Cùng với đó, Nhà nước cần mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, sửa đổi quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho DN, bỏ hạn chế thời gian làm thêm 400 giờ/năm.
Cùng với đó, Chính phủ cần sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, ứng dụng công nghệ 4.0 để hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.
Để phát triển bền vững, các DN ngành dệt may phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế của mình. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường. Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các DN phải đẩy mạnh liên kết chuỗi, đây sẽ là cơ hội giúp các DN phát huy được thế mạnh riêng và tận dụng được thế mạnh của tập thể.
DN dệt may Việt Nam muốn giữ vững thị trường xuất khẩu và mở rộng sản xuất phải phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo thời gian giao hàng. Trước mắt, việc đầu tư thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho DN, nhưng về lâu dài uy tín, thương hiệu của DN sẽ ngày càng tốt hơn, có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mới.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)